Tìm thấy con dao khắc chữ cổ Bắc Âu lâu đời nhất thế giới tại Đan Mạch

25/01/2024 - 08:33

Một con dao được các nhà khảo cổ học phát hiện trong một ngôi mộ trên đảo Funen, Đan Mach có khắc dòng chữ cổ của người Bắc Âu "hirila", có nghĩa là "thanh kiếm nhỏ".

Chú thích ảnh

Con dao được tìm thấy chứa ký tự Bắc Âu cổ xưa. Ảnh: Ancient Pages

Một bản khắc trên con dao có niên đại gần 2.000 năm tuổi được cho là chữ rune - một ký tự cổ xưa của người Bắc Âu được coi là cổ nhất từng được tìm thấy ở Đan Mạch đã được các nhà khảo cổ học phát hiện.

Dòng chữ được khắc vào một con dao sắt dài 8 cm và được tìm thấy trong một ngôi mộ bên dưới một chiếc bình gần thành phố Odense trên đảo Funen của Đan Mạch. Năm ký tự, mỗi ký tự cao khoảng 0,5 cm, theo sau là ba rãnh, đánh vần là "hirila", có nghĩa là “thanh kiếm nhỏ” trong tiếng Bắc Âu cổ.

Rune là những ký tự trong một số bảng chữ cái tiếng Đức đã được sử dụng ở Bắc Âu từ thời cổ đại cho đến khi bảng chữ cái Latin được áp dụng thay thế. 

Cùng với một chiếc lược xương có khắc chữ được tìm thấy gần đó vào năm 1865, chúng là những chữ Rune cổ nhất từng được tìm thấy ở Đan Mạch. 

Chú thích ảnh

Con dao sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Odense ở Møntergaarden, Đan Mạch từ ngày 2/2. Ảnh: Arkeonews

Jakob Bonde, người phụ trách bảo tàng thành phố và nhà khảo cổ học đã phát hiện ra con dao cổ này, cho biết ban đầu ông nghĩ đó là một con dao bình thường vì không thể nhìn thấy chữ rune, nhưng sau khi được làm sạch thì những ký tự dần hiện ra.

“Đây giống như nhận được một lời nhắn từ người xưa. Đó là một phát hiện phi thường đối với chúng tôi và là chỉ dấu cho thấy sự phát triển của ngôn ngữ Bắc Âu sớm nhất. Và đối với cá nhân tôi, thật tuyệt vời khi có được khám phá này”, ông nói.

Dòng chữ được cho là đề cập đến con dao chứ không phải chủ sở hữu. Con dao sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Odense ở Møntergaarden từ ngày 2/ 2 cùng với các đồ tạo tác khác được tìm thấy tại địa điểm này.

Con dao được cho là có niên đại lâu hơn khoảng 800 năm so với những phiến đá Jelling được phát hiện ở Jutland (Đan Mạch), trong đó có một phiến đá được Vua Harald Bluetooth dựng lên vào khoảng năm 965 để tưởng nhớ cha mẹ ông. Dòng chữ trên phiến đá, thường được gọi là “giấy khai sinh của Đan Mạch”, mô tả những thành tựu của Vua Harold và chứa hình ảnh Chúa Kitô lâu đời nhất ở Bắc Âu. 

Lisbeth Imer, nhà nghiên cứu về chữ rune tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, cho biết phát hiện này có thể giúp tiết lộ nhiều hơn về lịch sử Đan Mạch.

“Rất hiếm khi chúng tôi tìm thấy những chữ rune cổ như trên con dao này, và nó mang lại cơ hội duy nhất để chúng tôi có thêm kiến thức về ngôn ngữ viết sớm nhất của Đan Mạch – và từ đó về ngôn ngữ thực sự được nói trong thời đại đồ sắt", Imer chia sẻ.

Theo TTXVN