Ảnh minh họa: Getty Images
Mới đây, các nhà địa chất Eldert Advokaat và Douwe van Hinsbergen tại Đại học Utrecht ở Hà Lan đã công bố trên tạp chí Gondwana Research rằng họ đã xác định được vị trí một lục địa mang tên Argoland biến mất dưới đáy đại dương 155 triệu năm trước. Theo các nhà địa chất, lục địa này đã được tách ra từ Australia trong quá trình trôi dạt lục địa xảy ra trong kỷ Jura.
Các nhà địa chất từ lâu đã biết rằng khoảng 155 triệu năm trước, một mảnh lục địa dài 5.000 km đã tách ra khỏi miền Tây Australia và trôi đi. Họ có thể thấy điều đó qua '"khoảng trống" mà nó để lại - một lưu vực ẩn sâu dưới đại dương được gọi là Đồng bằng Abyssal Argo.
Tuy nhiên, không giống như Tiểu lục địa Ấn Độ vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày sau khi tách ra từ siêu lục địa Gondwana 120 triệu năm trước, Argoland bị phân thành nhiều mảnh và điều này khiến các nhà khoa học cực kỳ khó tìm kiếm.
Ban đầu, họ xác định được Argoland tách ra khỏi Australia và trôi dạt về Đông Nam Á, cụ thể là liên quan đến những mảnh đất cổ ở khu vực Indonesia và Myanmar. Tuy nhiên, khi họ cố gắng tái tạo lại Argoland bằng cách ghép thử các mảnh lục địa với nhau thì chúng lại không khớp như mong đợi.
Các nhà địa chất tin rằng lục địa vỡ ra từ Australia và sau đó trôi dạt về phía Đông Nam Á. Ảnh: Faculty of Geosciences Utrecht University
Bằng cách nghiên cứu ngược lại và thu thập bằng chứng địa chất từ Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tàn tích của các đại dương nhỏ hình thành khoảng 200 triệu năm trước và mất 7 năm để ghép các mảnh ghép lại với nhau. Những đại dương này có khả năng hình thành do hoạt động kiến tạo và đứt gãy của Argoland. Nhà địa chất Eldert Advokaat cho biết, quá trình này kéo dài trong gần 50 đến 60 triệu năm, sau đó lục địa bị chia cắt bắt đầu trôi dạt về phía Đông Nam Á.
Phát hiện này không chỉ giúp giải đáp các bí ẩn về lục địa đã mất mà còn cung cấp thêm những thông tin quan trọng về khí hậu của các khu vực trong quá khứ và ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học ngày nay.
Theo TTXVN