Kỷ niệm thân thương
Theo lời hẹn trước, tôi đến gặp ông Nguyễn Bá An tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú), người đã vinh dự được trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp bác về thăm An Giang năm 2018. Hơn 6 năm trôi qua, ký ức về lần gặp gỡ đó vẫn ngập tràn trong trí nhớ của ông Nguyễn Bá An.
Ông Nguyễn Bá An nhớ lại: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị lắm! Ông tươi cười, niềm nở với tất cả mọi người. Lúc gặp tôi, ông chủ động bắt tay và hỏi thăm sức khỏe như 2 người bạn lâu ngày gặp lại. Qua cách giao tiếp của Tổng Bí thư, sẽ không ai nghĩ đây là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi sự mộc mạc, chân tình mà ông dành cho chúng tôi.
Khi đó, tôi bày tỏ với Tổng Bí thư sự thống nhất, ủng hộ của người dân đối với chiến dịch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ông đang thực hiện, nhằm giúp Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của toàn thể Nhân dân Việt Nam”.
Ông Nguyễn Bá An chăm chút di ảnh của Bác Hồ, bác Giáp hàng ngày
Trong trí nhớ của ông An, nụ cười phúc hậu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ chực hiện về. Khoảnh khắc nắm bàn tay của người cộng sản tận tụy, kiên trung và liêm khiết đó vẫn mãi là kỷ niệm đẹp trong lòng của ông lão Nguyễn Bá An.
“Thời điểm gặp gỡ, chúng tôi đều có tuổi, nhưng “cụ Tổng” hãy còn khỏe lắm! Tôi nhớ nhất là lúc mình ngỏ ý tặng cụ bài thơ có bốn chữ đầu dòng là tên của cụ. Cụ đồng ý ngay, rồi nói: “Tấm lòng anh tôi xin nhận. Nhưng anh phải đọc to lên để mọi người cùng nghe nhé!”. Thật sự, tôi vô cùng kính phục sự thân thiện của Tổng Bí thư đối với nông dân như tôi” - ông Nguyễn Bá An xúc động.
Lần giở trong ký ức, ông Nguyễn Bá An đọc từng câu thơ thấm đẫm tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thơ rằng: “Nguyễn dòng tôn tộc chánh trực cương/ Phú quới thân danh rất xem thường/ Trọng những tấm thân đem giúp nước/ Thi lời Bác dạy để biểu dương”. Bài thơ đọc xong, gian nhà của ông Nguyễn Bá An bỗng lặng đi, bởi ký ức như bao trùm mọi thứ. Với ông lão đã 79 tuổi đời, khoảnh khắc đó sẽ tồn tại mãi trong tim.
Cũng là người được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Văn Điệp (ngụ xã Bình Phú) vẫn còn nhớ như in chiếc áo sơ mi cọc tay cụ mặc trong lần về thăm Châu Phú. Chiếc áo đó để lại trong trí nhớ lão nông này ấn tượng vô cùng đặc biệt, bởi sự giản dị và phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính.
“Khi biết tôi là nông dân, cụ hỏi: “Thế đời sống ổn định không?”. Tôi trả lời “cũng khá”, thì cụ cười vui vẻ. Tôi là nông dân, được gặp lãnh đạo cao nhất của Đảng nên có chút lo lắng. Nhưng khi gặp mặt, mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên, bởi sự thân thiện của Tổng Bí thư dành cho mọi người, trong đó có tôi” - ông Phạm Văn Điệp chia sẻ.
Ông Phạm Văn Điệp luôn có tinh thần cống hiến cho quê hương
Dù thời gian trôi qua, nhưng câu nói của Tổng Bí thư hôm gặp gỡ vẫn còn sống mãi trong lòng ông Điệp. Đó là khi mọi người khẳng định những đóng góp to lớn của cụ cho dân, cho nước, Tổng Bí thư khiêm tốn nói: “Một mình tôi không thể làm được, phải có sự đóng góp của nhiều người, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân thì đất nước này mới đi lên, mới phát triển được”. Bây giờ, ông Điệp vẫn ngày ngày tâm niệm phải làm điều gì đó có ích cho cộng đồng, cho quê hương Bình Phú.
Noi theo gương sáng
Được gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Bá An, ông Phạm Văn Điệp cảm thấy mình may mắn. Nhưng chính điều đó cũng làm 2 ông cảm thấy rất buồn khi nghe tin người cộng sản ấy đã về với Bác Hồ, bác Giáp.
“Tôi luôn theo dõi tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư qua báo đài. Biết là ai cũng phải theo quy luật đất trời nhưng mình vẫn thấy hụt hẫng bởi sự ra đi của Tổng Bí thư. Nhờ sự quyết liệt của cụ Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều đại án đã được đem ra ánh sáng, làm cho người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nay cụ không còn, đó là mất mát không gì bù đắp được trong lòng người dân” - ông Nguyễn Bá An rưng rưng.
Trong nhà ông An, có rất nhiều ảnh của Bác Hồ, bác Giáp. Mỗi ngày, ông đều lau những tấm ảnh cẩn thận rồi đặt lên vị trí trang trọng. Nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, ông rất muốn sẽ có thêm tấm ảnh của cụ để tưởng nhớ công lao của người cộng sản kiên trung ấy.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Bình Phú tích cực noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng xây dựng quê hương
“Tôi sẽ tìm cách để có tấm ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng. Dù tuổi đã cao, tôi nguyện đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của quê hương. Hiện, các cháu của tôi, đứa đang phục vụ trong quân đội, đứa còn lại sẽ là giáo viên. Tôi lấy tấm gương cụ Nguyễn Phú Trọng để dạy các cháu phải sống trong sạch, tận hiến sức mình cho quê hương, đất nước” - ông Nguyễn Bá An trải lòng.
Cùng niềm tiếc thương đó, ông Phạm Văn Điệp tâm tình: “Dù biết cuộc sống này là “hữu sinh, hữu diệt” nhưng đất nước mất đi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến tôi rất buồn. Bản thân tôi sẽ tiếp tục ghi nhớ và làm theo những lời dặn của Tổng Bí thư. Cụ là người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhân dân thì làm việc lớn cho đất nước. Tôi là nông dân thì làm những việc nhỏ, miễn sao giúp ích cho đời”.
Hiện tại, ông Phạm Văn Điệp đang tham gia đội xe cấp cứu từ thiện của xã Bình Phú và nhiều công việc cộng đồng tại địa phương. Ông khẳng định, sẽ luôn làm những việc có ích cho xã hội, đến khi nào không còn được nữa mới thôi.
Chia sẻ về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Châu Phú và gặp gỡ nhiều nông dân Bình Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú Mai Hữu Lý thông tin: “Chúng tôi rất tự hào khi những nông dân Bình Phú được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau chuyến thăm của cụ, người dân Bình Phú vô cùng phấn khởi, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, hàng trăm hộ dân đã đồng ý nhường đất để thực hiện vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt, với diện tích 600ha. Cùng với đó, chúng tôi đang vận động bà con tham gia liên kết xây dựng “Cánh đồng lớn” tại 2 tiểu vùng sản xuất của xã, với tổng diện tích hơn 1.700ha”.
Giờ đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn, nhưng những bài học ý nghĩa từ tấm gương của bác sẽ được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Bình Phú tích cực tiếp thu, thực hiện và xem đó là động lực để xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tinh thần gần gũi, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tích cực phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị địa phương, vận động quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng Bình Phú trở thành xã nông thôn mới trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú Mai Hữu Lý khẳng định.
Bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thương tiếc Tổng Bí thư
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) nói rằng, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà con đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn. Bác Trọng có nhiều đóng góp xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
"Những ngày qua, tôi tìm đọc lại, nghe lại những gì Tổng Bí thư đã nói, đã viết và lưu giữ trong tâm trí. Giờ đây, bác Trọng đi xa nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Tổng Bí thư có phong cách sống giản dị, gần gũi, chân tình, tầm nhìn bao quát, trọn đời vì nước, vì dân, kiên định theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn" - ông Nguyễn Tấn Đạt bày tỏ.
|
THANH TIẾN - MINH HIỂN