Toàn cảnh thế giới 2023: Những 'dòng hải lưu' chính
31/12/2023 - 09:38
2023 là một năm đầy biến cố với những trận động đất thảm khốc và hai cuộc xung đột gây tác động toàn cầu, trong khi nền kinh tế thế giới phục hồi yếu sau đại dịch COVID-19, thử thách khả năng xoay xở của các quốc gia.
AA
Thế giới năm 2023 chứng kiến hàng loạt sự kiện quan trọng, tác động sâu sắc đến tình hình chính trị, an ninh-quốc phòng và đời sống-xã hội toàn cầu.
Xu hướng hợp tác, liên kết
Thế giới biến chuyển không ngừng đã và đang làm lộ rõ các thách thức và rủi ro đối với môi trường an ninh toàn cầu, từ các điểm "nóng" xung đột đến dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đang tạo ra mối đe dọa đối với sự tồn tại, phát triển chung của toàn nhân loại mà không một quốc gia đơn lẻ nào có đủ sức mạnh và nguồn lực để có thể một mình giải quyết.
Việc liên kết, hợp tác để có thể hoạch định các chính sách, cùng hành động, cùng ứng phó với các thách thức và cùng phát triển... trở thành yêu cầu cấp thiết.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia tháng 5/2023 đã thông qua lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 7/2023, chính thức kết nạp Iran và đưa ra lộ trình kết nạp Belarus trong thời gian tới. Tháng 8/2023, nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) nhất trí mời 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất gia nhập từ năm 2024. Tháng 9/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Ấn Độ, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã mở rộng quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Trước đó, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã bước sang chương hợp tác mới vào tháng 6 năm nay khi 2 nước bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm "đóng băng" kể từ vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia, nhằm phản đối việc Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite năm 2016.
Khu vực Đông Bắc Á đã có một năm ngoại giao 2023 nhiều biến động, trọng tâm là ba cường quốc kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với các trục quan hệ xoay quanh ba cường quốc này vẫn là yếu tố chính chi phối mọi chuyển động quan hệ ngoại giao của khu vực.
Việc hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau nhanh chóng đã trở thành diễn biến chính trị - ngoại giao bất ngờ và nổi bật đầu năm 2023. Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Hàn Quốc đầu tháng 5/2023 đánh dấu việc nối lại toàn diện ngoại giao chính thức giữa các nhà lãnh đạo hai nước, vốn bị đóng băng trong hơn một thập niên.
Việc nối lại được cơ chế ba bên vào cuối năm 2023 đã tạo ra một triển vọng mới cho quan hệ ba nước trong năm 2024, mở đường những chuyển động ngoại giao tích cực của khu vực trong tương lai.
Dấu hiệu bất ổn
Tình hình Trung Đông cho đến cuối tháng 9/2023 có vẻ đầy hứa hẹn, khi Israel và Saudi Arabia chuẩn bị ký thỏa thuận để chấm dứt thù địch và thiết lập quan hệ ngoại giao, trong khi thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen được thực hiện nghiêm túc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá: "Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước".
Chỉ 8 ngày sau phát biểu đó, lực lượng Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt làm con tin. Sau thất bại ngày 7/10, Israel mở chiến dịch tấn công vào Dải Gaza và thề quét sạch Hamas. Chiến dịch tấn công trên bộ và trên không của Israel vào vùng đất hẹp bị phong tỏa khiến ít nhất 20.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có hàng nghìn phụ nữ và em, theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza.
Đến nay vẫn chưa rõ cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó.
Tại châu Phi vào giữa năm 2023 đã nổ ra hàng loạt vụ đảo chính ở nhiều quốc gia như Niger, Gabon… gây bất ổn chính trị ở khu vực Trung và Tây Phi. Quân đội những quốc gia này sau đó đã thành lập các chính quyền quân sự và tạo sức ép nhằm buộc một số nước phương Tây chấm dứt sự hiện diện quân sự ở nước họ. Tại Niger, chính quyền quân sự nước này từng ra lệnh đóng cửa không phận nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Trải qua gần 2 năm nhưng đến nay xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiện kết thúc, làm mất ổn định thị trường lương thực và năng lượng, cùng với những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái lớn nhất kể từ suy thoái 2007-2008.
Nhiều quốc gia kêu gọi chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao, nhưng đến nay, các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine đều chưa có kết quả khả quan. Dù cả Nga và Ukraine đều đã hứng chịu tổn thất nặng nề sau gần 2 năm giao tranh, hai bên đều không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào. Tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, kéo theo mối quan hệ giữa Mỹ/phương Tây và Nga vẫn ở trạng thái căng thẳng.
"Con thuyền" kinh tế gặp nhiều sóng gió
Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức.
Từ xung đột Nga-Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza… đã khiến kinh tế toàn cầu trong năm 2023 luôn ở tình trạng mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị.
Các định chế tài chính hàng đầu thế giới nhận định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn mức tăng 3,3-3,5% của năm 2022. Nguyên nhân do cơn "địa chấn" tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ, cùng cuộc khủng hoảng năng lượng, xung đột tại Ukraine và Trung Đông.
Ngân hàng trung ương nhiều nước phải cân nhắc giữa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và dừng tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về tổng thể, kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và thách thức. Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới. Cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục đi xuống và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt… Đó là cơ sở để tin tưởng và hy vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024.
Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; an ninh năng lượng, lương thực diễn biến xấu
Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai. Đó là thực tế mới của thế giới. 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Nhiệt độ toàn cầu chưa từng cao như vậy trong 125.000 năm qua và có nguy cơ vượt quá giới hạn 2 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris 2015.
Hậu quả là trong năm 2023, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu, từ cháy rừng lịch sử đến hạn hán khắc nghiệt cho đến lũ lụt kỷ lục đã xảy ra.
Bão Daniel - một cơn bão Địa Trung Hải xuất phát từ khu vực Nam Âu đổ bộ Libya ngày 10/9/2023, gây mưa lớn, lũ quét, kéo theo một trận "đại hồng thủy" san bằng TP. Derna (miền bắc Libya). Thảm họa khiến hơn 11.000 người thiệt mạng, hơn 20.000 người mất tích, gây khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Lũ cuốn phá hủy hầu hết các công trình dân sự ở Derna, khiến hàng trăm ngàn người không có nhà ở. Ước tính thiệt hại lên tới 10 tỷ USD.
Cũng trong năm 2023, thế giới chứng kiến trận động đất có cường độ 7,8 độ Richter làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria (ngày 6/2). Động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người, khiến hơn 100.000 người khác bị thương, hơn 160.000 tòa nhà với 520.000 căn hộ bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ankara cần hơn 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng.
Hạn hán trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu được cho là đã tiếp thêm sức mạnh hủy diệt do vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong một thế kỷ khiến ít nhất 115 người thiệt mạng trên đảo Maui của Hawaii vào tháng 8. Trong khi Canada là nước đứng đầu thế giới về diện tích rừng bị cháy vào năm 2023, với hơn 18 triệu ha rừng bị biến thành tro bụi.
An ninh lương thực cũng trở thành một vấn đề cấp thiết, vì sản lượng ngũ cốc và hoa màu của một số cường quốc nông nghiệp đã giảm do tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến các hạn chế xuất khẩu.
Đơn cử như vào cuối tháng 7, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã dừng bán ra bên ngoài các loại gạo không phải là basmati. Động thái này gây hỗn loạn trên thị trường gạo quốc tế trong nhiều tháng qua.
Các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas đã gây ra gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu, buộc hầu hết các quốc gia chú trọng hơn đến an ninh năng lượng. Châu Âu cũng phải khắc phục tình trạng thâm hụt sản xuất điện do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng tại các nhà máy điện hạt nhân Pháp.
Lo ngại Nga cắt khí đốt, Đức thậm chí còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than. Đối với dầu thô, ít có khả năng giá sẽ giảm hơn nữa khi các nhà sản xuất lớn, như Saudi Arabia, sẽ chú ý đến lời kêu gọi không tăng sản lượng của Tổng thống Nga Putin. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ không có động lực tăng nguồn cung, bởi giá cao đồng nghĩa doanh thu lớn hơn với sản lượng thấp hơn.
Trong khi đó, trước tình hình thực tế cấp bách, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ngày 13/12/2023 đã tạo bước đột phá lớn khi lần đầu tiên đưa vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch vào tuyên bố chung.
Sau gần ba thập kỷ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước này đã đạt được sự thống nhất về việc dần chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xu hướng mới về khoa học công nghệ
Bước vào năm 2023, thế giới chứng kiến một cơn sốt toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Ngoài ChatGPT, nhiều hãng công nghệ lớn cũng cho ra mắt chatbot tương tự như Google với Bard, Microsoft có Bing Chat, xAI với Grok, Baidu với Ernie Bot. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.
Theo khảo sát mới nhất của McKinsey Global, chưa đầy một năm sau khi các công cụ này ra mắt, hơn 30% người được hỏi cho biết tổ chức của họ đang sử dụng AI tạo sinh cho ít nhất một chức năng kinh doanh. Gần 25% số giám đốc được hỏi cho biết họ đang sử dụng công cụ AI cá nhân cho công việc, 40% nói rằng tổ chức của họ sẽ tăng đầu tư vào AI vì những lợi ích mà chúng mang lại.
Sự bùng nổ của AI đã gây ra tranh luận về việc công nghệ này đang mở ra kỷ nguyên mới cho sáng tạo và thịnh vượng của con người, hay sẽ tạo ra tương lai đầy bất trắc với nhân loại. Một số người cảnh báo AI có thể gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội, đặt ra vấn đề về đạo đức kỹ thuật số, cũng như có nguy cơ phát triển nhanh hơn khả năng kiểm soát của con người.
Nhưng các nhà quan sát đánh giá công nghệ này đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có, cho phép nhanh chóng tạo ra những loại thuốc mới, giải mã nhiều bí ẩn y học, cũng như hỗ trợ đắc lực cho con người trong công việc và giải trí. Giáo viên, học sinh có thể dùng chatbot như công cụ hỗ trợ cho các môn cần tóm tắt lượng lớn thông tin, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp có thể chuẩn bị các bài phát biểu, soạn email cho nhân viên, đối tác bằng văn phong phù hợp với sự hỗ trợ của AI.
Cũng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cuộc đổ bộ thành công của Ấn Độ lên Mặt trăng cho thấy sự quan tâm của các nước đến việc khám phá Mặt trăng ngày càng lớn, được thúc đẩy bởi cả niềm tự hào dân tộc và các cân nhắc chiến lược. Ngày 23/8/2023, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống phần cực nam của Mặt trăng với sứ mệnh Chandrayaan-3, đạt được kỳ tích lịch sử sau khi Nga xác nhận sứ mệnh thăm dò của tàu vũ trụ Luna-25 thất bại.
Hơn nửa thế kỷ sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, một cuộc đua mới tới vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất đang diễn ra. Hiện nay, NASA đang chi khoảng 93 tỷ USD cho chương trình Artemis đến năm 2025. Các công ty trên khắp thế giới cũng đang đổ xô vào lĩnh vực này. Trong khi đó, các công ty Mỹ như Intuitive Machines và Astrobotic đang cạnh tranh để vận hành các chuyến đổ bộ thương mại lên Mặt trăng đầu tiên trong năm nay sau khi cuộc đổ bộ của Công ty ispace (Nhật Bản) thất bại hồi tháng 4.
Theo các nhà quan sát, dự báo năm 2024 tiếp tục chiều hướng phức tạp, có thể phát sinh những vấn đề mới. Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức, có thể xảy ra suy thoái cục bộ ở một số quốc gia, khu vực. Cạnh tranh các nước lớn vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, tăng cường triển khai các sáng kiến tập hợp lực lượng và tranh giành ảnh hưởng gay gắt với nhau, tác động nhất định đến ổn định và an ninh khu vực cũng như thế giới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước cũng như môi trường an ninh quốc tế. Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều nhận thức được những nguy cơ và thách thức nêu trên nên sẽ tăng cường hợp tác, liên kết một cách có trách nhiệm trong thời gian tới nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề quốc tế quan trọng để hướng tới một thế giới hòa bình và ổn định hơn.
Theo AN BÌNH (Chính phủ)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: