Toàn thế giới đã ghi nhận 238,76 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

12/10/2021 - 07:53

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 11-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 238,76 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4,86 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 215,93 triệu người.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,18 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 60,47 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 54,35 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,03 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,46 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (258.636 ca nhiễm).

Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, do đó nhiều nước trong khu vực bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép người dân đã tiêm đủ liều vaccine tự do đi lại cũng như công bố kế hoạch mở cửa biên giới và tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19.

Từ ngày 11-10, các địa phương của Malaysia đã mở cửa trở lại trong bối cảnh chính phủ nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới trong nước. Những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đi lại tự do trên khắp đất nước tùy theo nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về y tế và đảm bảo an toàn sức khỏe vì bản thân và cộng đồng.

Việc Malaysia nối lại hoạt động đi lại giữa các tỉnh, các địa phương nhằm tạo điều kiện để ngành du lịch và các hoạt động kinh tế trong nước phục hồi. Quyết định này được đưa ra sau khi chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số ở độ tuổi trưởng thành của nước này vào ngày 10-10.  Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, người dân Malaysia được tự do đi lại giữa các tỉnh trong nước.

Tại Lào, chính quyền thủ đô Viêng Chăn cho biết các chốt kiểm soát COVID-19 đã được dỡ bỏ. Đây là một phần trong các nỗ lực cân bằng giữa các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh với phục hồi kinh tế. Trong khi đó, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia đề nghị Bộ Y tế nước này xem xét mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, nếu có những biện pháp ứng phó hiệu quả và bền vững với đại dịch COVID-19. 

Chính phủ Indonesia thông báo từ ngày 14-10, các cửa khẩu hàng không quốc tế của Indonesia sẽ mở lại đón du khách từ 18 quốc gia. Thái Lan cũng đã thông báo từ ngày 1-11 tới, nước này sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 đến nước bằng đường hàng không từ các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp.

Một quán cà phê mở cửa phục vụ khách tại thành phố Sydney, Australia ngày 11-10-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong ngày 11-10, thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia và là thành phố đông dân nhất nước này, đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa trong lộ trình hướng đến “sống chung với COVID-19” và từng bước mở cửa trở lại đất nước. Theo quy định mới, các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở tập gym… được mở cửa trở lại cho những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Tại châu Âu, nhiều nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng dịch khi tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 đạt mức cao. Từ ngày 11-10, các câu lạc bộ giải trí đêm tại Italy bắt đầu hoạt động trở lại. Quyết định này đánh dấu bước tiến lớn của chính phủ trong nỗ lực khôi phục cuộc sống bình thường của người dân. Ngoài ra, các rạp hát và chiếu phim sẽ được vận hành 100% công suất, trong khi các trung tâm thể thao có thể vận hành với 60% công suất trong nhà và 75% công suất ngoài trời. Tất cả các quy định mới này được thực hiện tại "Vùng Trắng" - khu vực có số ca thấp nhiễm mới thấp nhất và đang áp dụng ít các biện pháp phòng dịch nhất.

Trong khi đó, nhóm tư vấn vaccine của WHO đã khuyến nghị nên tiêm liều vaccine tăng cường (mũi thứ 3) phòng COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch, áp dụng với các tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt. Theo các chuyên gia WHO, những người bị suy giảm miễn dịch ở thể trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm liều vaccine tăng cường vì cơ thể những người này ít có khả năng sinh kháng thể đầy đủ nếu họ chỉ được tiêm chủng vaccine theo tiêu chuẩn cơ bản (2 mũi) và họ có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 thể nặng.

Trong ngày 11-10, thế giới đón nhận thông tin tích cực về việc phát triển thuốc trị COVID-19. Hãng dược phẩm Merck & Co Inc của Mỹ thông báo đã xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 thể vừa và nhẹ do công ty phát triển tại nước này.

Thuốc điều trị COVID-19, molnupiravir, được Merck và Ridgeback Biotherapeutics phối hợp phát triển. Nếu được giới chức Mỹ cấp phép, đây sẽ là loại thuốc uống chữa COVID-19 đầu tiên được cấp phép. Các dữ liệu mới công bố hồi tuần trước cho thấy thuốc molnupiravir mang lại hiệu quả ngăn chặn 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở nhóm có nguy cơ bệnh nặng cao nhất nếu mắc COVID-19. 

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị COVID-19 hiện nay gồm remdesivir và dexamethasone của Gilead Sciences Inc chỉ được dùng khi bệnh nhân nhập viện. Việc sử dụng các loại thuốc kháng thể đơn dòng đến nay vẫn còn hạn chế vì khó đưa vào cơ thể bệnh nhân.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng dược phẩm AstraZeneca cũng đã thông báo "hỗn hợp kháng thể đơn dòng" của hãng này, mang tên AZD7442, đã đáp ứng được các mục tiêu chính trong cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh COVID-19 nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân không phải nhập viện.

Thông báo nêu rõ AZD7442 làm giảm 50% nguy cơ bệnh chuyển biến nghiêm trọng hoặc nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân ngoại trú từng có triệu chứng từ 7 ngày trở xuống. Kết quả này đáp ứng được các chỉ tiêu lâm sàng chính đề ra trong cuộc thử nghiệm ở giai đoạn này.

Cũng theo AstraZeneca, AZD7442 PHIII là sự kết hợp kháng thể có tác dụng lâu dài cả trong việc ngăn ngừa và điều trị COVID-19. Có tới 90% số người tham gia thử nghiệm là những người có nguy cơ cao hoặc đang có xu hướng diễn biến bệnh nghiêm trọng. Quá trình thử nghiệm giai đoạn III cho thấy AZD7442 phát huy tác dụng cả trong khía cạnh y học dự phòng cũng như trong điều trị bệnh COVID-19. Ngoài ra, AZD7442 giảm 67% nguy cơ bệnh chuyển biến nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong so với sử dụng giả dược.    

AstraZeneca cũng đang phát triển một hỗn hợp thuốc được xem một liệu pháp để bảo vệ những người có hệ miễn dịch kém, không đủ để đáp ứng với vaccine ngừa COVID-19. Tuần trước, AstraZeneca đã đệ đơn lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại thuốc này trong việc phòng ngừa bệnh COVID-19.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)