Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Suva, Fiji. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày, đã có thêm một loạt quốc gia ghi nhận ca nhiễm Omicron - biến thể được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm "đáng lo ngại", làm gia tăng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 49.969.856 ca mắc và 808.763 ca tử vong, đến nay hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận, song biến thể Delta vẫn chiếm 99,9% số ca nhiễm mới ở nước này. Ít nhất 16 bang tại Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Nhiều ca nhiễm là người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Tại Ấn Độ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19, số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng lên 21 ca. Trước tình hình này, nhà chức trách Ấn Độ đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine đầy đủ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Israel và Anh cũng tiếp tục có thêm ca nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, một loạt nước gồm Thái Lan, Nga, Croatia, Argentina, Nepal, Tunisia, Namibia và Fiji phát hiện các ca đầu tiên nhiễm "siêu biến thể" này. Như vậy, đến nay Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo ca nhiễm biến thể Omicron, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết chính phủ nước này sẽ sớm triệu tập Hội đồng quốc gia phòng chống COVID-19 nhằm xem xét tình hình dịch bệnh và quyết định xem có cần ban hành các quy định chặt chẽ hơn không. Ông cũng cho hay các bệnh viện tại Nam Phi đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện, đẩy nhanh làn sóng lây nhiễm thứ 4.
Do lo ngại biến thể Omicron, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang tăng cường các biện pháp phòng dịch. Theo đó, Hàn Quốc cấm công dân nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước khác lui tới một số khu vực, trong đó có nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim. Hàn Quốc chỉ công nhận chứng nhận tiêm chủng của công dân nước này đã tiêm vaccine tại nước ngoài, song không công nhận chứng nhận của người nước ngoài, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh theo diện miễn cách ly. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi quyết định trên, song nhiều đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Anh và Australia, đang liên lạc và đề nghị Seoul thay đổi quyết định. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm vaccine thứ 2 và thứ 3 ngừa COVID-19 nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Điểm sáng trong bức tranh tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu trong ngày 6/12 ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng ngày cho biết nước này là một trong 5 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 ở cấp độ 1, nhờ sự nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các bên. Theo Tổng thống Widodo, thành công này thể hiện khả năng của quốc gia trong việc biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội. Indonesia đã xem xét rất kỹ lưỡng và thận trọng khi ban hành các chính sách để có thể kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời khôi phục nền kinh tế. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 196 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh kể từ tháng 3/2020 đến nay lên 4.257.685.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào cũng đang giảm mạnh, xuống còn 889 ca trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Lào cho biết, sau một ngày số ca mắc mới tăng vọt lên 4 chữ số, số ca mắc mới tại nước này lại giảm mạnh xuống còn 3 chữ số, giảm 475 ca so với một ngày trước đó. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 80.722 ca, trong đó có 210 người tử vong.
Còn tại Campuchia, lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến hoặc quá cảnh từ 10 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia đã được dỡ bỏ.
Theo PHAN AN (TTXVN)