Toàn thế giới đã ghi nhận trên 503,9 triệu ca mắc COVID-19

17/04/2022 - 07:55

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có trên 503,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 6,22 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 454,46 triệu người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 9/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

So với tuần trước, số ca mới mắc COVID-19 toàn cầu đã giảm 22%, trong đó châu Á ghi nhận con số giảm mạnh nhất 28%, tiếp sau là châu Âu 21%, châu Phi 19%...

Hàn Quốc hiện là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới, song tổng số ca mắc mới trong một tuần qua đã giảm 30% so với tuần trước đó. Ngày 16/4, Hàn Quốc ghi nhận 107.916 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với đỉnh dịch ghi nhận trên 620.000 ca/ngày hôm 17/3. Theo kế hoạch, từ đầu tuần tới, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các quy định về giãn cách xã hội, trừ quy định đeo khẩu trang, đánh dấu kết thúc hơn hai năm áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19. 

Trong khi đó, tại Trung Quốc, một số địa phương của nước này  bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19. Cụ thể, khu công nghiệp Sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, thông báo lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 15/4 và biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh. Theo đó, chỉ những nhân viên có giấy thông hành đúng quy định, mã số y tế hợp lệ và chứng nhận âm tính với virus mới có thể rời khu công nghiệp trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa.

Thành phố Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc mới COVID-19 trong tháng này.

Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc. Ngày 16/4, thành phố này thông báo ghi nhận 3.590 ca mắc mới có triệu chứng và 19.923 ca mắc mới không có triệu chứng. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới ghi nhận trên cả nước.

Sáng 16/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.896 ca mắc mới có triệu chứng tại Trung Quốc trong ngày 15/4, trong đó 3.867 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra có 20.894 ca mắc mới không có triệu chứng, trong đó 20.813 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo ước tính của một bộ phận trực thuộc tập đoàn Nomura Holdings Inc. của Nhật Bản, có khoảng 373 triệu người ở 45 thành phố tại Trung Quốc đang tuân thủ lệnh phong tỏa của chính quyền địa phương, tương đương 26,4% dân số nước này.

Tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu, các nước đang nỗ lực mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVId-19 tăng cường để bảo vệ người dân trước sự xuất hiện của biến thể mới và nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh vào mùa Thu theo cảnh báo của giới chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không cung cấp đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia khẳng định việc tiêm mũi tăng cường là rất quan trọng vì biến thể Omicron - hiện đang chiếm ưu thế - có thể "né" được một số tác dụng bảo vệ của 2 liều vaccine mRNA, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương. Mặc dù mũi thứ 3 và thứ 4 không ngăn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh nhưng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện và tử vong.

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA mang lại hiệu quả 65% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Omicron ở người từ 18 tuổi trở lên. Đối với những người được tiêm 3 mũi, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện tăng lên 86%.

WHO trước đó cảnh báo các nước cần thận trọng theo dõi diễn biến dịch bệnh để có thể chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời. Hiện WHO đang theo dõi các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3., BA.4 và BA.5 của Omicron cũng như biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2 khi "biến thể tàng hình" BA.2 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)