Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay LAX ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, với trên 83,35 triệu ca mắc, trong đó trên 1 triệu ca tử vong. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hiện nay trung bình mỗi ngày tại nước này ghi nhận 325 ca tử vong do COVID-19, trong khi số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị là 2.214 người/ngày. Trong bối cảnh đó, CDC Mỹ vẫn hối thúc người dân tiếp tục đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa, xe buýt,... để bảo vệ bản thân và những người xung quanh do mật độ người tập trung tại khu vực này rất cao.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan xác nhận thêm 9.790 ca mắc mới (không kể 8.728 ca có kết quả dương tính khi xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên) cùng 54 ca tử vong. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan được xác nhận ở dưới ngưỡng 10.000 ca, trong khi số trường hợp tử vong ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 4.300.614 ca nhiễm, trong đó có 28.914 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã chỉ thị các Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Du lịch và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Ông Anutin cho rằng việc hạ cấp COVID-19 xuống trạng thái bệnh đặc hữu phải được thực hiện cùng với việc cung cấp kiến thức liên quan đến sức khỏe cho người dân để họ có thể tự bảo vệ mình và sống chung với căn bệnh này một cách an toàn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, trước thực trạng số ca nhiễm mới COVID-19 tại Malaysia đang giảm dần xuống dưới 1.000 ca/ngày và chính phủ đã dỡ bỏ hầu hết các quy định kiểm dịch trước đây, các chuyên gia y tế nước này cảnh báo không nên dỡ bỏ thêm bất kỳ hạn chế nào nữa. Theo họ, các nhà chức trách nên đợi ít nhất 2 tuần sau dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidilfitri - Lễ tết lớn nhất của người Hồi giáo - bắt đầu từ ngày 1/5 trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Tại Đông Bắc Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc ghi nhận thêm 360 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 261 ca ở Thượng Hải. Thượng Hải cũng ghi nhận thêm 4.390 ca lây nhiễm trong cộng đồng không có biểu hiện triệu chứng trong tổng số 4.678 ca mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong do COVID-19, đều ở Thượng Hải, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 5.141 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát cách đây hơn 2 năm.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn giảm dưới 50.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nhằm đưa đất nước trở lại bình thường như trước khi đại dịch bùng phát. Cụ thể, Hàn Quốc ghi nhận thêm 42.296 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 17.438.068 ca. Số ca mắc mới ngày 5/5 đã giảm nhẹ so với 49.064 ca ngày 4/5 và giảm mạnh so với 57.464 ca một tuần trước đó. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 79 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này đến nay lên 23.158 ca.
Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi, qua đó một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm để theo dõi sự lây lan và biến đổi của virus SARS-CoV-2. Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với gần 3,8 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong. Đến nay, gần 45% người trưởng thành ở nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, nhờ đó số ca nhiễm mới đã liên tục giảm cho đến đầu tháng 4 - thời điểm nước này gỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế để phòng dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hiện đang tăng trở lại, với số ca mới ghi nhận trong tuần qua tăng 50%.
Tại châu Âu, nhà chức trách Bỉ đã ra quyết định kể từ ngày 3/5, hành khách đi trên các chuyến bay của hãng hàng không Brussels Airlines thuộc tập đoàn Lufthansa (Đức) không còn phải bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay. Hãng hàng không Brussels Airlines cho rằng quyết định này là hợp lý khi mà hãng hàng không giá rẻ TUI của Bỉ cũng đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay từ nhiều tuần trước. Tuy nhiên, Brussels Airlines khuyến nghị các khách hàng tìm hiểu các biện pháp phòng dịch COVID-19 đang được áp dụng tại sân bay đến vì khẩu trang vẫn còn là quy định bắt buộc ở một số quốc gia.
Dự kiến, Ủy ban tham vấn về COVID-19 của Bỉ (Codeco) sẽ nhóm họp ngày 20/5 về việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế phòng dịch cuối cùng, trong đó có việc bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. WHO ngày 5/5 ước tính đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của từ 13,3 triệu đến 16,6 triệu người trong năm 2020-2021, tức là nhiều gấp 3 lần số ca tử vong trực tiếp vì căn bệnh này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Sau một thời gian dài chờ đợi, WHO đã công bố ước tính tổng số ca tử vong vì đại dịch nói trên, bao gồm cả những người tử vong vì tác động của đại dịch, qua đó đưa ra con số về tác động rộng lớn hơn của cuộc khủng hoảng y tế này. Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Các ước tính mới cho thấy tổng số ca tử vong liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 vào khoảng 14,9 triệu ca (từ 13,3 đến 16,6 triệu)".
Hầu hết số ca trên (84%) được ghi nhận tại Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Các nước có thu nhập cao chiếm 15% số ca tử vong vì COVID-19, nước thu nhập trung bình cao chiếm 28%, nước thu nhập trung bình thấp hơn chiếm 53% và các nước có thu nhập thấp chiếm 4%. Số ca tử vong ở nam (57%) cao hơn ở nữ (43%) và cao hơn ở những người trưởng thành lớn tuổi.
WHO từ lâu đã cho rằng con số tử vong trên thực tế còn cao hơn nhiều con số được ghi nhận. Trong khi đó, còn có những ca tử vong gián tiếp vì đại dịch này, tức là những người tử vong vì không được điều trị do hệ thống y tế đã quá tải vì đại dịch. WHO cho biết con số 14,9 triệu ca tử vong được các chuyên gia hàng đầu thế giới tính toán theo phương pháp luận và áp dụng ở những nơi không có dữ liệu đầy đủ. Dự kiến, WHO sẽ tổ chức họp báo vào cuối ngày 5/5 để giải thích về cách tính toán này.
Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN)