Toàn thế giới vượt 364 triệu ca mắc COVID-19

28/01/2022 - 19:33

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 364.093.289 ca COVID-19, trong đó có 5.647.920 ca tử vong. Trên 288 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hiện vẫn còn gần 96.000 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Thái Lan hy vọng có thể công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022 dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ngày 27/1. Theo Tiến sĩ Kiattiphum, ủy ban trên đã lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine. Thái Lan ghi nhận thêm 8.078 ca mắc mới và 22 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.407.022 ca, trong đó có 22.098 ca tử vong.

Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2. Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, song một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực. Trung Quốc ghi nhận 25 ca nhiễm mới có triệu chứng trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong nào, nâng tổng cộng số ca mắc lên là 105.811 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ 21 ngày xuống còn 14 ngày, từ ngày 5/2 tới. Người dân Hong Kong trở về từ 160 quốc gia hiện đang bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại cách khách sạn được chỉ định và phải tự trả mọi chi phí.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ đã quyết định chấm dứt lệnh giới nghiêm cuối tuần và các biện pháp phòng dịch tại các khu chợ ở vùng thủ đô. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm vào ban đêm vẫn có hiệu lực. Nhà hàng, quán rượu và rạp chiếu phim sẽ được phép đón khách tương đương 50% khả năng phục vụ. Các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Giới chức y tế đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Delhi đã nằm trong tầm kiểm soát và hy vọng số ca nhiễm mới sẽ sớm xuống dưới ngưỡng 5.000 ca.

Israel thông báo triển khai tiêm chủng mũi vaccine thứ 4 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi, nhằm đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này. Đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4. Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà. Thời gian gần đây, Israel liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt do sự lây lan của biến thể Omicron. 

Tại châu Âu, vùng England của Anh đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron, theo đó, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang tại những không gian kín và không cần xuất trình “hộ chiếu vaccine”. Hơn 37 triệu người ở vùng này đã được tiêm các mũi vaccine tăng cường, số ca mắc bệnh cũng đã giảm mạnh trong hai tuần qua và mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đã duy trì theo chiều hướng ổn định những ngày gần đây. 

Italy sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch đối với những hành khách đến từ tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu vào tháng 2 tới. Theo đó, không bắt buộc cách ly đối với những hành khách có “thẻ Xanh” gồm chứng nhận tiêm vaccine, đã khỏi bệnh trong thời gian gần đây hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong những tháng gần đây, Italy đã nỗ lực kiểm soát dịch thông qua việc áp dụng “thẻ Xanh” từ nơi công sở cho đến các nhà hàng, quán ăn. Vào tháng 12, số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng, Italy đã yêu cầu tất cả mọi người xét nghiệm sàng lọc và cách ly 5 ngày đối với những trường hợp chưa tiêm phòng.

Giới chức y tế Bỉ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch trong trường học, theo đó các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các ca mắc COVID-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà. Biện pháp này cũng áp dụng cho nhà trẻ. Các lớp học hiện đang đóng cửa được mở lại sau khi thời gian cách ly hiện tại kết thúc. Đây là sự thay đổi trong chiến lược của Bỉ nhằm ngăn chặn đại dịch và vẫn đảm bảo học sinh được đến trường học trực tiếp. Giới chức Bỉ nhận định quy định mới sẽ dẫn đến có nhiều trường hợp dương tính hơn vì có nhiều người mang virus nhưng không có triệu chứng nhưng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ trở lại cuộc sống bình thường

Một em nhỏ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Mỹ, trên 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh trong tuần từ ngày 13 - 20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó. Như vậy, số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đang tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, trong đó chỉ riêng 2 tuần vừa qua có hơn 2 triệu ca. Giới chức y tế nhất trí điều quan trọng nhất là đảm bảo các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, cách ly người bệnh, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có  trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Argentina thông báo nới lỏng các yêu cầu về y tế đối với người nhập cảnh đã hoàn thành tiêm vaccine liều cơ bản. Theo đó, công dân Argentina và người nước ngoài đã hoàn thành tiêm vaccine liều cơ bản trong thời gian ít nhất 14 ngày sẽ không cần thực hiện xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào quốc gia Nam Mỹ và cũng không phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Những hành khách chưa hoàn thành tiêm liều cơ bản sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành hoặc phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) trong vòng 48 giờ trước khi bắt đầu chuyến đi. Những người này cũng phải tuân thủ quy định cách ly 7 ngày, tính từ ngày thực hiện xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm RAT.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)