Toàn Trái Đất bị tác động đến 9 ngày sau siêu sóng thần

13/09/2024 - 14:29

Các nhà khoa học cho biết lở đất kèm siêu sóng thần ở Greenland gây ra địa chấn chưa từng có và gây tác động rộng lớn, là minh chứng cho thấy ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Chú thích ảnh

Một phần núi và băng tại Vịnh hẹp Dickson ở Greenland tháng 8/2023 (trái) và vẫn địa điểm đó sau trận lở đất vào tháng 9/2023. Ảnh: Quân đội Đan Mạch

Một trận lở đất và siêu sóng thần diễn ra ở Greenland vào tháng 9/2023 đã khiến toàn bộ Trái Đất rung chuyển trong 9 ngày. Khủng hoảng khí hậu đã dẫn đến trận lở đất kèm siêu sóng thần này.

Các cảm biến động đất trên khắp thế giới đã phát hiện ra hiện tượng đáng chú ý. Tuy nhiên, vì điều này là chưa từng có tiền lệ nên các nhà nghiên cứu không nắm được nguyên nhân.

Sau khi tìm ra lời giải, các nhà khoa học cho biết điều đó cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu đã tác động rộng đến như thế nào và các trận lở đất lớn có thể xảy ra ở những nơi trước đây được cho là ổn định khi nhiệt độ tăng nhanh.

Một đỉnh núi cao 1.200 mét đã đổ sập xuống vịnh hẹp Dickson vào ngày 16/9/2023, sau khi sông băng tan chảy bên dưới không còn đủ sức giữ được vách đá. Nó đã gây ra đợt sóng ban đầu cao tới 200 mét và sau đó nước đập qua lại trong vịnh hẹp quanh co đã tạo ra những đợt sóng địa chấn trên khắp hành tinh trong hơn một tuần. Sóng thần đã giảm xuống mức cao 7 mét trong vài phút và hạ xuống chỉ còn tính theo cm vài ngày sau đó.

Đây là trận lở đất và siêu sóng thần đầu tiên được ghi nhận ở phía Đông Greenland. Các vùng Bắc Cực đang bị ảnh hưởng nhanh nhất do tình trạng nóng lên toàn cầu và các sự kiện tương tự nhỏ hơn về mặt địa chấn đã được ghi nhận ở phía Tây Greenland, Alaska, Canada, Na Uy và Chile.

Ông Kristian Svennevig tại Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh: “Tín hiệu này dài hơn nhiều và đơn giản hơn so với tín hiệu động đất, vốn thường kéo dài vài phút hoặc vài tiếng đồng hồ. Đây cũng là một sự kiện bất thường bởi là trận lở đất và sóng thần khổng lồ đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được ở phía Đông Greenland”.

Sóng thần đã phá hủy tại một trạm nghiên cứu trên Đảo Ella, cách trận lở đất 70km. Địa điểm này do thợ săn và các nhà thám hiểm thành lập cách đây hai thế kỷ, được các nhà khoa học và quân đội Đan Mạch sử dụng, nhưng đã bị bỏ hoang vào thời điểm xảy ra sóng thần.

Vịnh hẹp Dickson cũng nằm trên một tuyến đường thường được các tàu du lịch sử dụng. Một tàu chở 200 người đã bị mắc kẹt trong bùn ở Alpefjord, gần vịnh hẹp Dickson, vào tháng 9 năm ngoái. Tàu đã được giải thoát chỉ hai ngày trước khi sóng thần ập đến, tránh được những con sóng ước tính cao từ bốn đến sáu mét.

Có tổng cộng 68 nhà khoa học từ 40 thực thể và 15 quốc gia đã chung sức tìm lời giải cho bí ẩn này khi cùng kết hợp dữ liệu vệ tinh, địa chấn, hiện trường, mô phỏng máy tính phân giải cao…

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science, ước tính có đến 25 triệu mét khối đá và băng rơi xuống vịnh hẹp Dickson sau đó di chuyển thêm 2.200 m.

Những sự kiện như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Giáo sư Anne Mangeney tại Viện Vật lý Toàn cầu Paris ở Pháp cho biết: "Lần đầu tiên, chúng ta có thể thấy khá rõ sự kiện do biến đổi khí hậu gây ra, đã gây rung động toàn cầu dưới chân chúng ta, ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những rung động đó di chuyển từ Greenland đến Nam Cực trong vòng chưa đầy một giờ. Vì vậy, chúng ta đã thấy tác động của biến đổi khí hậu tác động đến toàn thế giới chỉ trong vòng một giờ".

Theo TTXVN