Tôn giáo nội sinh yêu nước ở An Giang

27/05/2022 - 05:55

 - Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, nhiều tôn giáo nội sinh ra đời ở Nam Bộ, với mục đích đầu tiên là tập hợp quần chúng nhiều nhất có thể. Từ đó, nhiều tôn giáo yêu nước ra đời ở vùng đất An Giang, được tín đồ tôn kính đến ngày nay.

Bửu Sơn Kỳ Hương

Bửu Sơn Kỳ Hương là giáo phái bản địa đầu tiên ở An Giang, gắn với tên tuổi cụ Đoàn Minh Huyên (14/11/1807 - 10/9/1856), được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngoài vai trò sáng lập đạo, ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ.

Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch, gây cảnh chết chóc, khổ cực, lầm than. Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Trà Bư (nay thuộc ấp An Thái, xã Hội An, huyện Chợ Mới), rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới), cư ngụ ở cốc ông đạo Kiến, trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt nhiều bệnh nhân và người thân nghe theo điều dạy khuyên của ông. Năm 1849, ông sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản.

Trụ sở Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ngày nay

Nghi ngờ ông hoạt động chính trị, quan tỉnh An Giang bắt giam. Xét không có bằng chứng, họ phải thả tự do cho ông. Tuy nhiên, chính quyền thời bấy giờ buộc ông phải quy y theo đạo Phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, ông được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Mặc dù bị chỉ định cư trú, song cụ Đoàn Minh Huyên vẫn đi lại khắp miền sông Hậu, phổ biến giáo lý “Tứ Ân” (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại), đồng thời vận động dân nghèo khai hoang, dần hình thành 4 trung tâm dinh điền lớn, đó là Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (huyện Châu Phú).

Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10/9/1856, được an táng sau chùa Tây An, nhưng không đắp nấm theo lời căn dặn của ông. Ông có nhiều đệ tử giỏi, như: Đức Cố Quản (Trần Văn Thành), Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), Đạo Lập (Phạm Thái Chung), Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng)...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Phật Thầy Tây An là nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu. Ông vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ nông dân nghèo khai hoang, vừa phổ biến “Tứ Ân”, mà trong đó “Ân đất nước” rất được chú trọng.

“Trại ruộng” mà ông lập ra ở làng Thới Sơn chỉ là hình thức. Thực chất, đây là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, những nơi ấy trở thành căn cứ chống ngoại xâm. Nhiều tín đồ của ông trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước), mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) do Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động là một minh chứng. Riêng Thới Sơn sau này tiếp tục là vùng đất cách mạng chống Pháp, chống Mỹ xâm lược.

Nối tiếp “Ân đất nước”

Giáo lý “Tứ Ân” của Phật Thầy Tây An vẫn được các đệ tử, tín đồ kế thừa. Sau này, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Phật giáo Hòa Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo lý này, trong đó “Ân đất nước” được đặc biệt chú trọng. Một trong những người tiếp nối là Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831-1890), Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông là một trong những lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19.

Sinh ra tại tỉnh Bến Tre, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông Ngô Lợi gắn với vùng núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn). Năm 1876, khi đưa một số đệ tử vào núi Tượng để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới, ông đã khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại đây.

Đức Bổn Sư tổ chức những cuộc lễ đại trai đàn, mục đích chính là khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng hàng ngàn người đến dự. Trong cuộc đại trai đàn ngày 30/4/1878, ông phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng, cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp.

Ông bị do thám Pháp truy lùng ráo riết, nhưng luôn được tín đồ và đồng bào che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của Đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép còn bị ông cảm hóa, theo phe kháng Pháp. Dù bị Pháp khủng bố, bắt bớ, tàn phá nhưng giáo phái do Đức Bổn sư Ngô Lợi vẫn tồn tại và phát triển, đóng góp nhiều công lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau này.

Ngày nay, những tôn giáo nội địa ra đời ở An Giang vẫn không ngừng phát triển. Bên cạnh học Phật tu nhân, tinh thần hành “Tứ Ân” được vận dụng phù hợp. Cùng với thực hiện báo ân tổ tiên, cha mẹ, Tam bảo thì “Ân đất nước” và “Ân đồng bào nhân loại” được tín đồ “trả ân” bằng cách tích cực tham gia xã hội - từ thiện, đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng quê hương, đất nước…

NGÔ CHUẨN