Tôn vinh nghề mắm Châu Đốc

25/04/2022 - 06:44

 - Lần đầu tiên được tổ chức, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội mắm Châu Đốc, tỉnh An Giang) đạt được thành công ngoài mong đợi. Đây không chỉ là nơi hội tụ của hơn 60 loại mắm đặc sắc Nam Bộ, cùng hơn 200 loại đặc sản các vùng, miền cả nước, mà còn là sân chơi dành cho văn hóa dân gian, nhạc cụ, phong tục truyền thống; mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo người dân địa phương và du khách.

Lãnh đạo tỉnh và TP. Châu Đốc tham quan các gian hàng tại Ngày hội mắm Châu Đốc

Sáng tạo với mắm

Anh Nguyễn Quốc Thắng sinh ra và lớn lên ở phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), vùng đất truyền thống của nghề mắm Châu Đốc từ hơn 100 năm nay. Trong ký ức anh Thắng, những mùa nước nổi với lượng cá đầy xuồng, ghe, đậu kín bờ kênh Vĩnh Tế tạo ấn tượng rất khó quên. “Cá được đổ thành đống, cả trăm người dân trong xóm đốt đèn dầu mần cá ban đêm. Những bà, những cô khéo tay phụ trách các công đoạn làm mắm. Bà nội và mẹ tôi lúc đó cũng làm mắm rất nhiều, nhà có mắm ăn quanh năm” - anh Thắng nhớ lại.

Dù hiện làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng dư vị mắm Châu Đốc vẫn là nỗi nhớ da diết trong lòng người con xa xứ. Nghe thông tin UBND tỉnh An Giang tổ chức Ngày hội mắm Châu Đốc, anh Nguyễn Quốc Thắng sắp xếp công việc, mời bạn bè về thủ phủ mắm Châu Đốc chơi một chuyến. “Trong ký ức, tôi chỉ nhớ những loại mắm phổ biến, như: Mắm cá lóc, cá linh, cá sặc, cá chốt, không ngờ mắm tại lễ hội phong phú và đa dạng như vậy. Mấy ngày ở Châu Đốc, tôi dẫn bạn bè đi  thưởng thức đủ cách chế biến mắm, như: Mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, bún mắm… Phải công nhận, mắm Châu Đốc có hương vị đậm đà rất đặc trưng, ăn kèm với bông súng, bông điên điển, rau đắng, rau dừa, chuối chát, bắp chuối, rau muống… tạo nên sự kết hợp rất tuyệt vời. Bên cạnh mắm Châu Đốc, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với mắm cá mè vinh của TX. Tân Châu, khi chưng lên có hương vị rất đặc biệt” - anh Thắng chia sẻ.

Bên cạnh phong phú, đa dạng về chủng loại, sản phẩm, khách tham quan còn ấn tượng với sự sáng tạo của một số cơ sở mắm ở TP. Châu Đốc, khi cho ra mắt sản phẩm bột mắm, được đóng gói cẩn thận với nhiều trọng lượng khác nhau. Người tiêu dùng mua về chỉ cần hòa bột mắm vào nước, để kèm cá lóc, cá rô, cá tra, thịt heo, cà tím là có món mắm kho; thêm nước loãng hơn và cho thêm tôm, mực, cá, ốc đắng, heo quay là có món lẩu mắm; trộn kèm với thịt ba rọi băm nhuyễn, trứng vịt, củ hành tím, đầu hành rồi hấp cách thủy là có món mắm chưng…

“Tôi từng công tác thời gian dài ở An Giang nên rất thích ăn mắm. Về lại Hà Nội, có những khi thèm mắm, nhờ bạn bè mua gửi ra thường khó khăn, do mắm có mùi, các đơn vị vận chuyển ngại nhận chuyển hàng. Với sản phẩm bột mắm, việc vận chuyển dễ dàng hơn, bởi bột mắm được đóng gói kín như trà, cà-phê, không còn bốc mùi ra ngoài. Với cách làm này, tôi nghĩ không chỉ thuận tiện tiêu thụ trong nước, mà còn tạo điều kiện xuất khẩu mắm, phục vụ cho người Việt ở nước ngoài” - chị Hà Thị Mai (đến từ quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) nhận xét.

Thỏa mãn mong chờ

Có lẽ đã lâu rồi, người dân An Giang và du khách mới được hưởng không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi như Ngày hội mắm Châu Đốc. Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, chịu đựng cảm giác đè nén khi phải căng mình phòng, chống dịch COVID-19, Lễ hội mắm Châu Đốc như cơ hội để người dân hòa mình vào không gian mắm, không gian đặc sản các vùng miền, không gian văn hóa - văn nghệ, ẩm thực đặc sắc của 4 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm - Hoa trên đất An Giang, không khí đờn ca tài tử Bạc Liêu, cồng chiêng Đắk Lắk, văn hóa Khmer Sóc Trăng…

Sự xuất hiện của những sơn nữ trong trang phục dân tộc ở Tây Nguyên, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng quanh lửa trại, cùng những bình rượu cần hấp dẫn; những cô gái, chàng trai Khmer trong điệu múa lâm thôn; những cô dâu, chú rể, nam thanh, nữ tú hóa thân trong đám cưới người Chăm An Giang; những đào, kép cùng bộ nhạc cụ đờn ca tài tử Bạc Liêu; những tiết mục xiếc Long An hấp dẫn; những bộ trang phục truyền thống người Hoa cùng những bài hát tiếng Hoa du dương… tạo thành những sắc màu lễ hội ấn tượng.

Sự hấp dẫn của Ngày hội mắm Châu Đốc thể hiện qua số lượng rất đông người dân, du khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm xuyên suốt 5 ngày diễn ra sự kiện (từ ngày 20 đến 24/4/2022). Tham gia gian hàng tại Ngày hội mắm Châu Đốc, chính bà Kim Anh (Chủ cơ sở sản xuất khô - mắm Bà Giáo Thắm 9999) cũng tỏ ra bất ngờ với lượng người tham gia.

“Tôi nghĩ rằng lượng khách sẽ không đông, nên không mang hàng ra trưng bày nhiều. Tuy nhiên, ngay trong đêm khai mạc (ngày 20/4), lượng khách đến mua mắm, khô rất đông, tôi đã bán hết 90% lượng hàng trưng bày chỉ trong vài giờ. Do vậy, phải mang thêm nhiều hơn để phục vụ những ngày tiếp theo. Phần lớn các hộ kinh doanh khô, mắm, hàng đặc sản đều bán được lượng hàng khá lớn. Không khí lễ hội rất vui tươi” - bà Kim Anh thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, từ vài năm trước, tỉnh đã có ý tưởng tổ chức Ngày hội mắm Châu Đốc, nhưng do nhiều điều kiện khách quan, trong đó có ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên đến nay mới tổ chức được. “Trên thế giới, nhắc đến Hàn Quốc, người ta biết món kim chi; Nhật Bản có sushi; Ý có pizza… Chúng tôi muốn đưa món mắm trở thành đặc trưng của người Việt Nam. Sau Ngày hội mắm Châu Đốc, tỉnh sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Mắm, phối hợp các tỉnh ĐBSCL cùng tham gia, luân phiên tổ chức lễ hội mắm. Đồng thời, kết hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nâng cấp lễ hội mắm, hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận mắm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” - ông Thư nhấn mạnh.

Ngày hội mắm Châu Đốc thu hút hơn 60 sản phẩm mắm Nam Bộ. Bên cạnh các sản phẩm mắm chủ lực của TP. Châu Đốc và các địa phương trong tỉnh, còn có sản phẩm mắm đặc trưng của các tỉnh, thành phố khác, như: Mắm cá lóc, cá sặc, cá rô, mắm thái, mắm cà xỉu, mắm tép, mắm ruốc, mắm cá rô không xương, mắm cua gạch, mắm tôm hùm…

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích