Cổng Sungnyemun tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Kênh DW (Đức) cho biết khi bước vào nhiệm kỳ chính thức từ tháng 5 tới, chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol dự kiến đi theo lộ trình đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế tại thành phố Sejong.
Thành phố Sejong nằm cách Seoul 125 km về phía Nam. Sejong được đặt theo tên của Vua Sejong đại đế trị vì trong 53 năm từ 1397, thuộc triều đại Joseon. Việc xây dựng địa điểm được quy hoạch cho thủ đô mới của Hàn Quốc đã khởi động từ năm 2007. Vào năm 2012, Sejong còn được cấp quy chế là "thành phố tự quản đặc biệt".
Ông Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ chuyển các thành phần chính của Quốc hội đến thành phố mới, đồng thời hỗ trợ thành lập các đặc khu kinh tế ở khu vực xung quanh để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra các viện nghiên cứu và công nghệ hiện đại để thu hút các nhà khoa học hàng đầu.
Đã có một số cơ quan chính phủ chuyển đến Sejong, bao gồm Bộ Giáo dục và Bộ Môi trường. Thành phố Sejong hiện có dân số chỉ trên 360.000 người.
Ý tưởng chuyển sang thủ đô mới lần đầu được đề xuất bởi cựu Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2003. Ông Roh Moo-hyun chủ trương chia sẻ tầm ảnh hưởng và tài chính vốn tập trung ở Seoul vào những địa điểm khác của Hàn Quốc, khuyến khích phát triển khu vực và giảm tình trạng quá đông đúc tại thủ đô Seoul.
Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải nhiều rào cản. Các tổng thống Hàn Quốc kế nhiệm ông Roh Moo-hyun ít nhiệt tình với dự án, trong khi nhiều doanh nghiệp cũng phản đối ý tưởng này, và thậm chí còn có thách thức pháp lý được trình đến tận Tòa án Hiến pháp vào năm 2004.
Giáo sư Dan Pinkston tại Đại học Troy cơ sở ở Seoul phân tích: “Các thảo luận về việc chuyển chính phủ đến Sejong đã diễn ra trong một thời gian và có vẻ là ý tưởng tốt vì các nước khác đã từng làm điều tương tự trong quá khứ”. Ông Dan Pinkston lấy dẫn chứng là các thủ đô mới như Brasilia ở Brazil và Canberra tại Australia.
Ông Pinkston bổ sung: “Quan ngại xoay quanh việc tập trung dồn vào khu vực nhỏ xung quanh Seoul - chính phủ, bộ máy hành chính, kinh doanh, tài chính, văn hóa, giải trí - dẫn đến tình trạng đông đúc, quá tải giao thông, ô nhiễm và không mang lại lợi ích cho phần lớn đất nước”.
Bên cạnh đó, ông Pinkston cho biết cân nhắc còn liên quan đến an ninh bởi vùng ngoại ô phía Bắc Seoul chỉ cách Khu phi quân sự (DMZ) 30 km. Với vị trí địa lý này, Seoul nằm trong tầm tấn công của vũ khí Triều Tiên. Do đó, việc chuyển thủ đô về phía Nam sẽ tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn với những “rào cản tự nhiên” như các dãy núi, sông ngòi.
Việc thi công một tòa nhà chính phủ tại Sejong. Ảnh: Yonhap
Trong một diễn biến khác, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol ngày 20/3 đã công bố quyết định chuyển Văn phòng Tổng thống đến tòa nhà mới của Bộ Quốc phòng nước này tại quận Yongsan, thủ đô Seoul.
Ông Yoon cho hay sẽ chuyển đến tòa nhà mới trên ngay sau khi nhậm chức vào ngày 10/5. Ông nhấn mạnh “đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng đó là quyết định vì tương lai của đất nước”.
Cũng theo Tổng thống đắc cử Hàn Quốc, từ ngày 10/5, Phủ Tổng thống hay còn gọi là Nhà Xanh (Cheong Wa Dae) sẽ được mở cửa hoàn toàn cho công chúng thăm quan.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, việc chuyển phủ tổng thống sang Bộ Quốc phòng sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ won (tương đương 41 triệu USD). Khoản tiền này không bao gồm chi phí di chuyển các cơ sở quân sự ra khỏi khu phức hợp hiện tại. Khu phức hợp của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện nằm trên khu đất rộng 276.000m2 và đang là nơi làm việc của các bộ chỉ huy và đơn vị quân đội với khoảng 4.000 quân nhân và công chức.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)