Giáo hoàng Francis (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) trong cuộc gặp tại Vatican ngày 18-10-2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Có thể nói chuyến công du châu Âu lần này là bước tiếp nối trong chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao đã được Tổng thống Moon Jae-in kiên trì theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền tháng 5/2017. Ông Moon Jae-in từng tuyên bố Hàn Quốc cần thay đổi cách tiếp cận và điều chỉnh chính sách ngoại giao vốn trước đây bị chi phối quá nhiều bởi các mối quan hệ với 4 cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, theo hướng đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Theo ông, khi tình hình xung quanh Hàn Quốc có nhiều diễn biến khó lường ảnh hưởng trực tiếp tới nước này, đây là chủ trương vừa phù hợp với nhu cầu an ninh, kinh tế, chính trị nội bộ của Hàn Quốc, tạo cơ hội để bảo vệ an ninh và phát triển, đồng thời có thể hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực của tình hình khu vực và quốc tế.
Trong một năm rưỡi qua, chính sách đối ngoại linh hoạt, thực dụng và nhất quán của nhà lãnh đạo Moon Jae-in phần nào giúp Hàn Quốc có thể tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế để giải quyết các thách thức cả bên trong và bên ngoài. Mặt khác, vai trò và vị thế của Hàn Quốc, có phần sa sút trong vài năm trước đây, đang được khẳng định trở lại.
Xét trên cả hai yếu tố, thúc đẩy giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tăng cường quan hệ giữa Hàn Quốc với châu Âu, chuyến công du của Tổng thống Moon Jae-in đều đã đạt được những thành quả cụ thể và thực chất. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du là nước Pháp, một thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) và có vai trò quan trọng trên thế giới với tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Kết quả chuyến thăm Pháp có thể nói là khá tích cực, hai bên đã ra tuyên bố chung 26 điểm sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Moon Jae-in với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó có điều mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc mong muốn, đó là sự ủng hộ của Paris đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Pháp với vị thế của mình trên trường quốc tế cũng như trong EU, hoàn toàn có thể đóng một vai trò tích cực nào đó trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đòi hỏi sự giúp sức về ngoại giao, kinh tế, công nghệ hạt nhân…, không chỉ của các nước có liên quan trực tiếp mà còn của nhiều nước khác trên thế giới. Với “chiếc ghế” của mình trong Hội đồng Bảo an, không thể không tính tới ảnh hưởng của Pháp đối với các nước còn lại trong cơ quan “đầy quyền lực” của thế giới này như Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa, trái) trong cuộc gặp tại Paris, Pháp ngày 15-10-2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Về quan hệ song phương, Hàn Quốc và Pháp đã mở ra một chương mới khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ lên thành "quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI", nhất trí tổ chức thường niên "Đối thoại kinh tế cấp cao song phương nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… Đây là bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là hai nền kinh tế hàng đầu ở mỗi châu lục.
Tiếp sau Pháp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Italy với mục đích chính cũng là kêu gọi sự ủng hộ của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Xét về kinh tế và lịch sử, Italy có sức nặng trong EU. Trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Rome, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược và tổ chức các cuộc thảo luận sâu rộng nhằm tăng cường hợp tác thiết thực về nhiều mặt như chính trị, quốc phòng, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, công nghiệp, năng lượng.
Bên cạnh đó, Italy cũng khẳng định sẽ kiên định ủng hộ chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng.
Ngay sau khi thăm Italy, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tới Vatican, một nơi mà tất cả những người theo Công giáo trên toàn thế giới trong đó có Hàn Quốc, Triều Tiên và các nước có liên quan trực tiếp tới bán đảo Triều Tiên luôn hướng về.
Có thể nói ông Moon Jae-in đã “rất sáng suốt” khi có các hoạt động ngoại giao đầy ý nghĩa tại đây và chuyến công du này có tính biểu tượng rất cao. Với sự ủng hộ của Giáo hoàng Francis và qua buổi lễ cầu nguyện hòa bình cho bán đảo Triều Tiên ở Vatican, Tổng thống Moon Jae-in đã tập hợp được một lực lượng đông đảo đứng sau những nỗ lực của ông nhằm thiết lập hòa bình lâu dài tại một trong những điểm nóng nhất thế giới này. Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc đã chuyển lời mời thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Đức Giáo hoàng, một lần nữa thể hiện vai trò “cầu nối hòa bình” mà ông đang triển khai trong nỗ lực hòa giải giữa hai miền nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
“Sứ mệnh” vì hòa bình này cũng đã được Tổng thống Moon Jae-in ghi dấu ấn trong chặng dừng chân ở Brussels, Bỉ để tham dự Hội nghị Cấp cao Á Âu lần thứ 12 (ASEM12). Tại các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị, từ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức - một nước chủ chốt khác trong EU, Thủ tướng Anh – một ủy viên thường trực khác trong Hội đồng Bảo an, và Thủ tướng Thái Lan - nước sẽ là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới, nội dung chính được bàn thảo vẫn là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bên cạnh quan hệ Hàn Quốc-EU nói chung.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) ở Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN
Tại ASEM12, để thuyết phục các nhà lãnh đạo các thành viên tổ chức lớn này ủng hộ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc đã trình bày kế hoạch kết nối đường bộ-đường sắt giữa hai lục địa Á Âu đầy hấp dẫn, khẳng định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là điều kiện không thể thiếu để biến kế hoạch tham vọng và mang lại nhiều lợi ích này thành hiện thực.
Trên thực tế, việc kết nối đường bộ và đường sắt giữa hai châu lục này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận tải so với đi bằng đường biển hiện nay. Kế hoạch này coi như đã hoàn thành một nửa khi kết nối được đường bộ và đường sắt liên Triều, một phần của các thỏa thuận trong các cuộc thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa qua. Lợi ích kinh tế, lợi ích ngoại giao và cao hơn cả là lợi ích hòa bình đang được xem xét trong dự án quan trọng này.
Có thể nói trong 9 ngày qua tại châu Âu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những hoạt động ngoại giao đầy hiệu quả. Với nỗ lực bền bỉ, ông đã kết nối được sự ủng hộ của rất nhiều nước và tổ chức có vai trò quan trọng, tạo thêm động lực và nguồn sức mạnh lớn giúp thúc đẩy lộ trình dài đem lại hòa bình bền vững và thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên.
Theo MẠNH HÙNG (Báo Tin Tức)