Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về biến đổi khí hậu, tại Nhà trắng ngày 27-1. Ảnh AP.
Ngày 27-1, trong nỗ lực theo đuổi các chính sách xanh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt các hành động hành pháp mới để chống lại biến đổi khí hậu, như tạm dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất Mỹ, cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Các sắc lệnh vạch ra hướng đi cho chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu và môi trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi ông đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, người tìm cách tối đa hóa sản lượng dầu, khí và than của Mỹ bằng cách loại bỏ các quy định và nới lỏng các đánh giá về môi trường.
Các sắc lệnh của Tổng thống Biden nhằm mục đích bảo tồn 30% vùng đất và vùng biển của Mỹ trong 10 năm tới, tăng gấp đôi năng lượng gió ngoài khơi và chuyển sang sử dụng xe chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn nước Mỹ, cùng những thay đổi khác.
Phát biểu tại một buổi lễ ở Nhà trắng, ông Biden nói: "Theo quan điểm của tôi, chúng ta đã chờ đợi quá lâu để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu này". Ông lưu ý những mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt, từ việc gia tăng các cơn bão, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch. "Đã đến lúc phải hành động", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Biden đã công bố “phương pháp tiếp cận toàn chính phủ” nhằm đặt mối quan tâm về biến đổi khí hậu vào trung tâm của an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như kế hoạch đối nội của Mỹ. Ông cho biết việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và có khả năng phục hồi liên quan đến khí hậu và một tương lai năng lượng sạch cho nước Mỹ sẽ tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao.
“Đây là một trường hợp mà lương tâm và lợi ích giao thoa nhau, nơi đối phó với mối đe dọa hiện hữu đối với hành tinh và tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng là một. Khi tôi nghĩ về biến đổi khí hậu và câu trả lời cho nó, tôi nghĩ đến việc làm”, ông Biden, người đang phải đối mặt với áp lực ngay trong chính đảng của mình vì những hành động tích cực đối với biến đổi khí hậu nói thêm.
Việc Tổng thống Mỹ Biden tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu đã được các đối tác quốc tế và những người ủng hộ môi trường cổ vũ, nhưng lại khiến khối các tập đoàn dầu khí lớn của thế giới Big Oil khó chịu vì cho rằng những động thái của ông sẽ khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD doanh thu trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn bị vùi dập bởi đại dịch Covid-19.
Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ có kế hoạch công bố mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Hiệp định khí hậu Paris trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu quốc tế do Mỹ tổ chức vào Ngày Trái đất 22-4.
Theo TRÀ LAM (Nhân Dân)