Động thái này diễn ra sau khi ông Erdogan giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/5, qua đó kéo dài thời gian cầm quyền của mình sang thập niên thứ 3.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai, tại Ankara ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tân Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Cevdet Yilmaz, 56 tuổi. Ông Yilmaz, một nhà quản lý kinh tế, từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Phát triển, Phó Chủ nhiệm phụ trách kinh tế của đảng Công lý và Phát triển (APK) và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.
Ông Mehmet Simsek đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính. Ông được giới chuyên môn giá cao khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng giai đoạn 2009-2018. Việc bổ nhiệm ông được coi là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong nhiều năm qua với việc duy trì lãi suất thấp bất chấp lạm phát tăng cao và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với thị trường.
Ông Hakan Fidan được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, thay thế ông Mevlut Cavusoglu - một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của Thổ Nhĩ Kỳ. Là một trong những người thân cận nhất của Tổng thống Erdogan, ông Fidan từng đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia (MIT) từ năm 2010, và trước đó là cố vấn của ông Erdogan thời điểm nhà lãnh đạo này là Thủ tướng.
Người thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar là ông Yasar Guler. Ông Guler, 69 tuổi, đã phục vụ trong lực lượng vũ trang 49 năm và là Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2018.
Ông Ali Yerlikaya - người giữ cương vị Thống đốc Istanbul kể từ năm 2018 - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ và thay thế người tiền nhiệm Suleyman Soylu.
Cũng trong ngày 3/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết xây dựng Hiến pháp mới để thay thế bản Hiến pháp hiện hành, khi ông chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách là người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài phát biểu nhậm chức tại Dinh Tổng thống, ông Erdogan nhấn mạnh Hiến pháp hiện tại cần được thay thế bằng "một Hiến pháp tự do, dân sự và toàn diện" nhằm củng cố nền dân chủ. Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh đất nước của ông đã đặt chân lên một con đường mới và đang bước vào cái gọi là "Thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ", đồng thời kêu gọi người dân nước này "vượt qua hạn chế của các cuộc thảo luận tập trung vào bầu cử" và "hướng cái nhìn của họ về tương lai".
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ hiện hành ra đời năm 1982 và đã được sửa đổi 19 lần. Lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 2017 đã thay đổi hệ thống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ mô hình cộng hòa đại nghị sang mô hình cộng hòa tổng thống.
Theo TTXVN