Khẩn trương chuẩn bị
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Phạm Văn Phúc, đến nay, tiến độ chuẩn bị tổ chức “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022” đang được địa phương tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện quyết liệt các đầu công việc đã được UBND tỉnh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh giao. Cụ thể, UBND phường Châu Phú A đã thông báo đến các hộ kinh doanh trong khu vực diễn ra ngày hội tạm ngưng hoạt động để trả mặt bằng cho Ban tổ chức ngày hội. Các đơn vị: Điện lực, Xí nghiệp điện nước, Xí nghiệp Môi trường Đô thị thành phố; Tiểu ban lễ tân, hậu cần, khánh tiết, vận động phục vụ ngày hội… đảm bảo chất lượng. Về thời gian thi công dàn dựng, nhận các mặt bằng, UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành, UBND phường Châu Phú A hỗ trợ thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo an toàn giao thông.
Công an thành phố phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan và Tiểu ban An ninh trật tự và Phòng, chống dịch thực hiện tốt công tác phân luồng giao thông, điều tiết, sắp xếp vị trí đậu xe của các đoàn đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khách tham quan và người dân đến tham gia ngày hội. Khuôn viên ngày hội và các gian hàng bố trí đầy đủ thùng rác, khẩu trang, nước sát khuẩn nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. “Nhìn chung, công tác chuẩn bị “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022” được TP. Châu Đốc thực hiện khẩn trương, đảm bảo các đầu công việc theo phân công”- ông Phạm Văn Phúc cho biết.
Công tác chuẩn bị tổ chức ngày hội đang được khẩn trương thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ
Tham gia ngày hội, TP. Châu Đốc có 3 cơ sở đăng ký gian hàng trưng bày và bán sản phẩm, tái hiện chế biến mắm. Đồng thời, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện trưng bày, biểu diễn tại các gian nhà tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày, văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer (trong đó, TP. Châu Đốc chịu trách nhiệm gian hàng dân tộc Kinh với 20 sản phẩm, gian hàng dân tộc Hoa 25 sản phẩm). Bên cạnh đó, thành phố còn tham gia gian hàng ẩm thực lẩu mắm và bún cá. Châu Đốc còn có 6 gian hàng, gồm: Mắm các loại, khô cá tra phồng… và các sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đăng ký tham gia gian hàng cùng tỉnh.
Cơ hội giao lưu, hợp tác
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu, đến thời điểm hiện tại, 180 gian hàng của ngày hội đã đầy đủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đặc sản trong và ngoài tỉnh đăng ký. Có 18 tỉnh, thành phố tham gia; tỉnh An Giang có 54 đơn vị tham gia, với 64 gian hàng (17 gian hàng ẩm thực). Đây là thành công bước đầu của “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022”. Điều đáng mừng là hạ tầng kỹ thuật, môi trường được các đơn vị của TP. Châu Đốc triển khai thực hiện đảm bảo đúng theo yêu cầu. Dự kiến có khoảng 200 đại biểu Trung ương và các tỉnh, thành phố tham dự lễ khai mạc ngày hội, nên công tác tiếp đón, giới thiệu, bố trí chỗ ăn, nghỉ, những hoạt động của các đoàn đại biểu đến dự ngày hội sẽ được chuẩn bị chu đáo.
Ngày hội có quy mô 180 gian hàng, chia làm 3 khu vực: Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang; khu triển lãm các tỉnh, thành phố; khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng. Cùng với các hoạt động chính, trong thời gian diễn ra ngày hội còn có chương trình giao lưu và biểu diễn cộng đồng, như: Biểu diễn giao lưu văn nghệ đặc trưng của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố (ngày 20/4); biểu diễn cộng đồng dân tộc Khmer Sóc Trăng và xiếc Long An (ngày 21/4); biểu diễn cồng chiêng Đắk Lắk, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, uống rượu cần (ngày 22/4); giao lưu đờn ca tài tử Bạc Liêu - An Giang và các tỉnh, thành phố (ngày 23/4)… Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối giao thương, với chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”.
Ông Lê Trung Hiếu cho rằng, ngày hội là dịp để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Châu Đốc nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Thông qua ngày hội nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú của An Giang và nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm - Hoa sinh sống tại An Giang; đồng thời giới thiệu, khẳng định thương hiệu đặc biệt hương vị “Mắm Châu Đốc” của vùng sông nước miền Tây đến với du khách trong và ngoài nước.
Mặt khác, đây còn là dịp để tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh An Giang nói riêng, giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố trong nước nói chung. Qua đó, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa; nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm. Qua đó, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại - đầu tư và du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
THU THẢO