Năm 2003, Lập được giao nhiệm vụ thủ kho kho lạnh và nhân viên bán hàng, thuộc Phòng Kinh doanh Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời). Lập có trách nhiệm nhập, xuất và quản lý các mặt hàng rau màu tại kho lạnh; ra hóa đơn, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, thu tiền bán hàng ở một số đại lý và điểm bán lẻ để nộp về trung tâm. Tuy nhiên, từ năm 2012-2015, Lập nhiều lần lấy hàng hóa trong kho, bán cho khách hàng vãng lai nhưng không xuất hóa đơn. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, số lượng hàng hóa ấy không hề nhỏ: gần 300 gói bắp giống, 250 gói dưa leo, 100 gói đậu cove, 970 gói dưa hấu… trị giá hơn 210 triệu đồng. Định kỳ 6 tháng/lần, tổ kiểm kê sẽ kiểm tra hàng hóa tại kho. Để không bị phát hiện, cách đó 1-2 ngày, Lập xuất phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý (nhưng không gửi hàng), nhằm làm số tồn trên thẻ kho phù hợp với số tồn thực tế. Đợi kiểm kê xong, anh ta làm thủ tục “đại lý trả hàng về kho”. Cứ như thế, mọi việc được “ém nhẹm” nhiều năm.
Bị cáo Nguyễn Hữu Lập
Không chỉ vậy, Lập còn nhiều lần xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng, mang tên 3 đại lý (L.V.P, N.V.G, T.T.T) với số lượng gần 5.000kg lúa giống các loại; xuất khống phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý N.T.Q.T, L.V.P tổng cộng 9.860kg lúa giống các loại, bán ra bên ngoài, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng. Cách thức bán hàng của Lập rất đơn giản: Người mua đến cửa hàng bán lẻ của trung tâm đưa tiền cho Lập. Anh ta không xuất chứng từ mang tên người mua, mà ghi tên các đại lý trên. Để tránh bị phát hiện, một số chứng từ, Lập ký giả tên của chủ đại lý ở cột “người nhận hàng”, “người vận chuyển” hoặc ghi tên một số người không có thật. Có khi, anh ta đóng dấu “bán hàng qua điện thoại” để người mua cầm chứng từ đến kho lấy hàng.
Mặt khác, Lập nhiều lần nhận tiền bán hàng của các đại lý gần 150 triệu đồng, nhưng không nộp về cho trung tâm. Cụ thể: khoảng tháng 2-2015, anh N.V.K chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản của Lập để trả tiền mua lúa giống. Từ ngày 7-7-2015 đến 11-9-2015, Lập đến đại lý N.T.Q.T thu tiền nợ bán hàng 4 lần, tổng số tiền trên 60 triệu đồng. Ngày 20-4-2015 và ngày 31-7-2015, N.V.B (tài xế xe chở hàng trung tâm) nhận hơn 55 triệu đồng của 2 đại lý, giao cho Lập. Những món tiền qua tay Lập liền “biến mất”, không được quyết toán theo quy định. Tổng cộng, Lập chiếm đoạt 554.396.699 đồng, dùng vào việc… cờ bạc, trả nợ, mua vé số kiến thiết, khắc phục hóa đơn khống đã xuất trước đó.
Ngày 4-9-2015, lãnh đạo Phòng Kinh doanh thấy Lập có biểu hiện bất thường nên kiểm tra công nợ với một số đại lý, phát hiện chênh lệch số liệu. Hỏi chuyện, Lập thừa nhận hành vi sai phạm. Ngày 28-9-2015, trung tâm thành lập đoàn kiểm kê hàng hóa tại kho, ghi nhận các chứng cứ liên quan. Lập bị cho nghỉ việc, trung tâm gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh). Ngày 31-7-2017, Lập bị khởi tố điều tra. Tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Lập khai nhận phù hợp với tình tiết vụ án; đồng thời còn thừa nhận: Trong quá trình xuất ứng hàng hóa hạt giống các loại cho đại lý, Lập quên ghi vào sổ theo dõi, làm thất thoát tiền, hàng của công ty hơn 859 triệu đồng. Tuy nhiên, do anh ta không có ý thức chiếm đoạt nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này. Riêng số tiền hơn 55 triệu đồng nhận từ anh N.V.B, Lập cho rằng “đã làm mất” chứ không phải chiếm đoạt như lời khai ban đầu.
Trước Hội đồng xét xử, Lập khẳng định bản thân chỉ chiếm đoạt gần 400 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh ta đã nộp khắc phục, nhưng không đưa ra được chứng cứ. Hội đồng xét xử nhận định: “Những động thái khắc phục hậu quả của bị cáo đã được cơ quan chức năng khấu trừ trước đó. Căn cứ vào các chứng cứ và lời khai của người làm chứng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra khẳng định việc khai của bị cáo chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm, chạy tội. Vụ án là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các đơn vị kinh doanh. Bất cứ một sơ hở, quản lý không chặt chẽ nào cũng sẽ tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng, gây thất thoát tài sản cho đơn vị”.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG