Các vị cao niên trong làng rèn tính được nghề đã tồn tại trăm năm. Thuở trước, do gắn liền với việc làm nông, hàng chục cơ sở phải bận tay ngày đêm làm các loại nông cụ.
Khoảng 15 năm nay, khi đồng ruộng được cơ giới hóa, nhu cầu sử dụng một số sản phẩm như liềm, cuốc… giảm mạnh. Đó cũng là lúc làng nghề bước sang trang, tập trung sản xuất theo nhu cầu mới của khách hàng. Máy móc trong các cơ sở dần thay thế cho những công đoạn thủ công.
Chương trình khuyến công và xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ một phần vốn để các cơ sở ở làng nghề mua sắm các thiết bị mới. Ngày càng có nhiều công đoạn được máy đảm đương sức nặng thay cho con người.
Nhờ mạnh dạn thay đổi, cộng với sự thích ứng kịp thời, tùy từng công đoạn, năng suất tăng từ 3–4 lần, thậm chí 10 lần so với trước đây. Các sản phẩm cũng tinh sảo hơn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa nghề rèn làm việc nhẹ nhàng. Để giữ uy tín cho cả làng đã gầy dựng, từng lao động luôn đặt trọn tâm vào các bước làm ra sản phẩm.
Giảm quy mô so thời hưng thịnh, hiện nay mỗi cơ sở rèn vẫn còn trên 10 lao động, biến động tùy theo thời vụ. Khi mùa nước nổi kết thúc, làng rèn bước vào mùa cao điểm, bởi đây là lúc nông dân xuống giống, nhu cầu sử dụng leng, cuốc, xẻng, chang… tăng cao. Các lò rèn lại tăng tốc để phục vụ bà con chăm sóc mùa màng.
Trước đây, các mặt hàng của làng rèn Phú Mỹ bán trong khu vực ĐBSCL, giờ đã mở rộng đến thị trường miền Trung… Giá thành các sản phẩm vẫn bình dân, từ 10.000 – 30.000 đồng/dụng cụ, phổ biến là dao, kéo, búa… và một số nông cụ cần thiết cho việc đồng áng.
Nguyên liệu được mua từ các mối quen ở tỉnh ngoài. Ngay tại làng rèn cũng có một số vựa chủ động cả nguồn nguyên liệu để cung ứng cho các chỗ làm, đồng thời tập trung sản phẩm để bán.
So với hàng công nghiệp hiện nay, sản phẩm rèn vượt trội ở tính bền, sắc bén, ít bị ô- xy hóa, chất liệu dày dặn. Bên cạnh đó, nhờ có danh tiếng, thị trường quen, nhắc đến sản phẩm rèn Phú Mỹ hay sản phẩm rèn Hòa Hảo” ai cũng biết.
Theo dòng chảy thời gian, trải qua sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, âm thanh rèn, mài, đập… quen thuộc vẫn vang vọng từ những con hẻm nhỏ. Sức sống làng rèn lại rộn rã nhờ sự chuyển mình kịp thời để thích ứng với thời cuộc.
MỸ HẠNH