Trăm năm vùng đất An Giang

07/01/2022 - 06:03

 - An Giang là một trong những tên gọi sớm nhất của vùng đất Nam Bộ thời khai hoang, mở cõi. Với bề dày lịch sử, việc tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) khơi dậy niềm tự hào của thế hệ hôm nay, tạo thêm động lực tăng trưởng, phát triển bền vững vùng đất có vị trí địa chiến lược quan trọng.

Truyền thống tên gọi An Giang

Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều nhà Nguyễn, An Giang xưa là đất Tầm Phong Long, nước Chân Lạp (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu). Đến năm 1757 (Đinh Sửu), Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn (Outey II) dâng đất này cho chúa Nguyễn. Từ thời thuộc Chân Lạp cho đến đầu nhà Nguyễn, đất An Giang còn hoang hóa, rất ít dân cư.

Những năm đầu thời vua Gia Long, nhà Nguyễn tổ chức mộ dân đến khai hoang định cư, cho đất An Giang thuộc vào trấn Vĩnh Thanh (một trong 5 trấn của thành Gia Định). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng chia trấn Vĩnh Thanh thành tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Năm 1832 được xem là thời điểm chính thức ra đời tỉnh An Giang với địa bàn rất rộng. So với địa giới hành chính ngày nay, bao gồm toàn bộ tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, một phần tỉnh Đồng Tháp và huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu).

Núi Cấm An Giang. Ảnh: TRUNG HIẾU

Như vậy, An Giang là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh) vào thời nhà Nguyễn độc lập, thành lập năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Nam Kỳ lục tỉnh khi ấy gồm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, tháng 2-1976, tỉnh An Giang chính thức được tái lập trở lại. Ban đầu có 8 huyện (Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Huệ Đức, Phú Châu, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn) cùng 2 thị xã (Long Xuyên, Châu Đốc), tỉnh lỵ đặt tại TX. Long Xuyên. Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận.

Ngày 1-3-1999, TP. Long Xuyên được thành lập; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II (ngày 14-4-2009). Ngày 24-8-2009, TX. Tân Châu được thành lập. Ngày 19-7-2013, TP. Châu Đốc được thành lập; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II (ngày 15-4-2015). Ngày 23-7-2020, TP. Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Đến nay, tỉnh An Giang có 2 thành phố (Long Xuyên, Châu Đốc), 1 thị xã (Tân Châu) và 8 huyện (Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú).

Long trọng tổ chức lễ kỷ niệm

Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhưng tên gọi An Giang vẫn là niềm tự hào của bao thế hệ. Vùng đất An Giang gắn với công lao đóng góp của các bậc danh thần, tiền hiền, danh nhân, như: Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh, Quản Cơ Thành, sau này là Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân)…

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, An Giang là một trong những căn cứ địa quan trọng của cách mạng, nơi nhiều nghĩa sĩ, anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, An Giang giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ kết nối ĐBSCL với ASEAN qua châu thổ Mekong, là vùng phên dậu biên cương Tổ quốc, là vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL…

Năm 2022, nhân dịp tròn kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), tỉnh dự kiến tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện vừa trang trọng vừa thiết thực, ý nghĩa, tiết kiệm; hài hòa giữa các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội. Từng hoạt động, sự kiện sẽ được thông tin rộng rãi bằng nhiều phương tiện truyền thông, kênh tuyên truyền, tận dụng mạng xã hội để đông đảo người con quê hương An Giang (dù đang sinh sống tại tỉnh hay đang lao động, học tập, làm việc ở các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài) đều có thể tham gia.

Tại cuộc họp góp ý xây dựng đề cương kế hoạch tổ chức hoạt động, sự kiện kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh và đại biểu thống nhất: Các hoạt động kỷ niệm được triển khai tập trung từ tháng 3-2022 đến tháng 11-2022. Tất cả phản ánh quá trình hình thành, phát triển của tỉnh An Giang, từ thời kỳ mở đầu khai khẩn vùng đất mới; các cuộc khởi nghĩa và thành công cách mạng tháng Tám; thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; thành tựu từ khi hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay.

Điểm nhấn trong số sự kiện, hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang là Hội thảo khoa học “190 năm An Giang hình thành và phát triển” kết hợp phát hành bộ tài liệu tuyên truyền 190 năm phát triển An Giang; điều chỉnh, bổ sung, xuất bản lại bộ “Địa chí An Giang”; lễ công nhận quy hoạch tỉnh An Giang; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022; thực hiện MV ca nhạc quảng bá hình ảnh An Giang; thực hiện và phát sóng phim tài liệu “190 năm vùng đất và con người An Giang”; hội chợ “Doanh nghiệp – Hàng hóa – Nông sản An Giang”; nhiều cuộc thi, ngày hội văn hóa, thể thao, nghệ thuật, du lịch sôi động với sự tham gia của 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa)…

Cùng với các hoạt động, sự kiện quan trọng, nhiều ý nghĩa do tỉnh và sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chủ trì thực hiện, từng đơn vị, địa phương đăng ký công trình, phần việc để chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, trở thành ngày hội lớn của người dân tỉnh nhà.

NGÔ CHUẨN