Trao “cần câu” cho người nghèo vùng Bảy Núi

21/02/2023 - 06:46

 - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi, những phần quà, tiền mặt có ý nghĩa giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, cần có những sinh kế bền vững hơn. Việc trao tặng bò giống, heo giống, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị sản xuất phù hợp, đồng thời tăng cường trách nhiệm giám sát của địa phương được xem là những cách trao “cần câu” hiệu quả.

Tàn nhưng không phế

Ở tuổi gần 70, lại bị khuyết tật ở chân nhưng ông Chau Sắc (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) vẫn sống có ích, tự thân lao động. Nhiều năm nay, người đàn ông DTTS Khmer này vẫn duy trì tiệm hớt tóc tại nhà, phục vụ người dân địa phương và kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Thấy được ý chí tự lập của ông, chính quyền địa phương đã giới thiệu gia đình ông Chau Sắc vào danh sách các hộ nhận bò giống, một hoạt động thuộc dự án “Mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật không có sinh kế ổn định”, do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai tại tỉnh An Giang. “Biết được hỗ trợ bò, tôi đã đốn tre, mua lá, nhờ người thân hỗ trợ dựng chuồng bò gần nhà. Sáng sớm, tôi tranh thủ đi cắt cỏ tươi về cho bò ăn rồi mới bắt đầu công việc hớt tóc. Cuối buổi chiều, tôi tranh thủ đi cắt cỏ. Đây là bò giống, tôi sẽ cố gắng nuôi để sinh sản thêm nhiều bò con, gầy dựng đàn bò ngày càng nhiều hơn, tạo nguồn vốn và sinh kế ổn định cho gia đình” - ông Chau Sắc phấn khởi.

Trao bò cho các hộ dân ở xã An Tức và Núi Tô

Cuối năm 2022, Ủy ban quốc gia Vì người khuyết tật Việt Nam phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và UBND huyện Tri Tôn tổ chức buổi lễ trao bò cho người khuyết tật không có sinh kế ổn định huyện Tri Tôn. Đây là địa phương đầu tiên được chọn tham gia thí điểm “Mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật không có sinh kế ổn định”. Ông Chau Sắc là một trong 18 trường hợp khuyết tật ở xã Núi Tô được bốc thăm chọn bò giống ngẫu nhiên đợt này; 22 con bò còn lại được trao cho 22 hộ dân ở xã An Tức. Trước đó, các hộ này được cán bộ chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả.

Như vậy, có 40 con bò sinh sản, với tổng trị giá 720 triệu đồng được trao tặng, tạo “vốn mồi” để hộ nghèo, khó khăn phát triển đàn bò. “Để đạt hiệu quả lâu dài, các hộ phải quan tâm chăm sóc bò thật tốt, thực hiện nuôi và cho bò sinh sản theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng và chính quyền huyện Tri Tôn, xã An Tức, xã Núi Tô phối hợp Tỉnh đoàn quan tâm hỗ trợ, giám sát các hộ chăm sóc tốt số bò được trao tặng, tăng cường dinh dưỡng, tiêm phòng bệnh để đàn bò phát triển, sinh sản, nhân rộng số lượng” - Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Vì người khuyết tật Việt Nam Đinh Thị Thụy nhắn nhủ.

Thiết thực, hiệu quả

Là một đơn vị thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam được giao phụ trách tiểu dự án xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Để đúng với ý nghĩa “bền vững”, trường phối hợp Liên minh HTX tỉnh lựa chọn những hộ Khmer nghèo, cận nghèo, khó khăn ở vùng Bảy Núi, có ý chí lao động để hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Đợt đầu của chương trình, 16 hộ dân ở xã Châu Lăng và An Tức (huyện Tri Tôn) được hỗ trợ thiết bị, tổng trị giá 146 triệu đồng. Trong đó, có 10 hộ tham gia Tổ sản xuất đường thốt nốt, mỗi hộ được hỗ trợ 1 máy đánh đường thốt nốt và 1 máy phát điện, trị giá 9,7 triệu đồng; 6 hộ tham gia Tổ mô hình làm hồ, mỗi hộ được hỗ trợ 1 máy động cơ xăng và cối trộn bê-tông, trị giá hơn 8 triệu đồng.

Trước khi bàn giao thiết bị mới, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy đánh đường thốt nốt và máy trộn bê-tông kỹ càng, nhằm sử dụng thiết bị hiệu quả, lâu dài. Việc trang bị máy móc, sử dụng điện và động cơ sẽ giúp người dân giảm sức lao động so với làm thủ công, tạo ra sản phẩm nhiều hơn, chất lượng hơn, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn), nơi có hơn 97% dân số là đồng bào DTTS Khmer, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,24% (926 hộ) và cận nghèo chiếm 28,1% (729 hộ), Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam phối hợp Liên minh HTX tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn vừa bàn giao thiết bị phục vụ sản xuất cho 53 hộ Khmer nghèo, cận nghèo, tổng trị giá 374 triệu đồng. Trong đó, 15 hộ được hỗ trợ máy hàn và cắt sắt (trị giá hơn 6,46 triệu đồng/máy/hộ); 10 hộ được hỗ trợ máy may công nghiệp (9,8 triệu đồng/máy/hộ); 15 hộ được hỗ trợ máy phun xịt lúa (5,46 triệu đồng/máy/hộ) và 13 hộ được hỗ trợ máy phun xịt xoài (7,46 triệu đồng/máy).

Tại buổi bàn giao, Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam đề nghị UBND xã Ô Lâm thành lập 4 tổ mô hình nghề nghiệp may công nghiệp, phun xịt xoài, phun xịt lúa và hàn cắt sắt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc người dân chí thú làm ăn; trường hợp không hiệu quả thì thu hồi thiết bị để cấp cho những hộ có nhu cầu. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo còn lại, trường tiếp tục tranh thủ nguồn vốn nông thôn mới năm 2023 để tiếp tục hỗ trợ.

Dự kiến, chương trình tiếp tục mở rộng cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, nhằm trao “cần câu” để họ tự thân vươn lên thoát nghèo.

NGÔ CHUẨN