Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.
Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng Sư phạm trong ngành giáo dục. Đồng thời, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, nhân rộng gương sáng nhà giáo điển hình tiên tiến, có nhiều cống hiến và đóng góp trong toàn ngành; động viên đội ngũ nhà giáo vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước. Nhiều năm nay, ngành giáo dục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của các thầy cô giáo cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự tri ân, cảm ơn và chúc mừng đặc biệt tới các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đã được lựa chọn, Bộ trưởng bày tỏ: Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.
Để đạt được danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục, theo Bộ trưởng, toàn ngành phải rất quyết tâm và cần hội tụ đủ điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.
Các danh hiệu là sự ghi nhận, tôn vinh cho cái đã qua, thể hiện bề dày đóng góp của các thầy, các cô, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi thầy cô tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
“Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng. Kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình. Các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành giáo dục,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện cho các nhà giáo được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm nay, cô Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (Yên Bái) chia sẻ: Từ khi trở thành cô giáo, cô luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh."
Vì vậy, mỗi giờ học, cô đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc, trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải; phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá, tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu.
Chủ tịch nước Tô Lâm vừa ký quyết định số 612/QĐ-CTN và 613/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho 157 cá nhân đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.
Bên cạnh đó, học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.
Cô Hạnh cũng tâm sự: Suốt 34 năm đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, đổi thay, bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả nhưng cô cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo.
Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, cô tin đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình.
Năm 2024, sau quá trình Hội đồng cấp Nhà nước họp, bỏ phiếu xét chọn, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo.
Đến nay, nhiều bộ, ban, ngành và địa phương đã tổ chức trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo trực thuộc.
Tại buổi lễ hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm," trong đó, năm 2024, Hội đồng đã xét chọn tôn vinh 251 Nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học.
Trước đó, đại diện các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng tại Trụ sở Chính phủ, dự lễ dâng hương tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Tối 17/11, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức./.