Trao truyền tri thức, kỹ thuật viết chữ trên lá buông

29/10/2024 - 07:20

 - Là di sản văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi, những bộ kinh lá buông đã tồn tại hàng trăm năm với sứ mệnh trao truyền lời Phật dạy. Hiện nay, ngành chuyên môn và các địa phương thuộc vùng Bảy Núi đang nỗ lực bảo tồn, phát huy tri thức và kỹ thuật chế tác kinh lá buông.

Hòa thượng Chau Cắt nâng niu những bộ kinh lá buông hàng trăm năm tuổi của chùa Mỹ Á

Chùa Mỹ Á (phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên) vào một buổi trưa chìm trong vắng lặng sau cơn mưa rả rích. Tuy nhiên, lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông vẫn đang diễn ra, với sự có mặt của 24 vị sư sãi đến từ 24 chùa Khmer ở TX. Tịnh Biên.

Nói về lớp học đặc biệt này, Hòa thượng Chau Cắt, sãi cả chùa Mỹ Á, cho hay: “Kinh lá buông là tri thức quý báu của đồng bào Khmer từ xưa. Theo thời gian, kỹ thuật chế tác kinh lá buông không được nhiều người biết đến. Được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TX. Tịnh Biên mở lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông cho các sư sãi Khmer, sư vô cùng phấn khởi. Qua lớp học này, sẽ giúp nhiều sư trẻ nắm được kỹ thuật khắc chữ trên lá buông để lưu truyền cho đời sau”.

Theo lời sư Chau Cắt, điểm thuận lợi của lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông lần này là các sư đều biết chữ Pali và chữ Khmer cổ. Do đó, chỉ cần nắm được kỹ thuật, các sư có thể chế tác nên những tấm lá kinh đạt yêu cầu. Trước đây, cả vùng Bảy Núi chỉ có Hòa thượng Chau Ty và các sư sãi tại chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) thực hiện việc khắc chữ trên lá buông. Do đó, lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông là rất cần thiết để giữ gìn di sản văn hóa của người Khmer.

Về nội dung, kinh lá buông thể hiện những lời dạy của đức Phật, những câu vè, câu chuyện dân gian, trò chơi dân gian gắn liền với đời sống của đồng bào DTTS Khmer. Vì hàm chứa giáo lý của đức Phật, khuyên bảo con người hướng thiện, nên những bộ kinh lá buông mang giá trị văn hóa rất độc đáo. Ở kinh lá buông, người ta nhận ra những nét đẹp dung dị trong tâm hồn người Khmer qua nhiều thế hệ, nhất là những lời Phật dạy thấm vào đời sống hàng ngày của họ.

“Vì là lời của Phật, nên người chế tác phải cẩn trọng, tỉ mỉ, khéo léo trong quá trình tạo ra những lá kinh. Những lúc ngồi khắc chữ, các sư phải tìm nơi yên tĩnh, tập trung tinh thần để không khắc sai chữ nào. Nếu mất tập trung, sai một nét là xem như bỏ cả tấm lá kinh, phải làm lại từ đầu. Vì vậy, mỗi một bộ kinh hoàn thành là cả quá trình phấn đấu, kiên định của các sư, nên phải được giữ gìn, bảo quản cẩn thận như vật quý” - sư Chau Cắt phân tích.

Là người trực tiếp hướng dẫn các sư trẻ kỹ thuật khắc chữ trên lá buông, ông Chau Chên (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) không quản ngại đường xa, đều đặn đến chùa Mỹ Á hàng ngày. Ông chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của kinh lá buông, tui phải cố gắng hết sức để hướng dẫn các sư. Kỹ thuật khắc chữ trên lá buông rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo của người học. Nếu mạnh tay, đek-cha (dụng cụ khắc chữ) sẽ khiến đau tay và hỏng lá kinh. Ngoài ra, việc hoàn thành một lá kinh sẽ rất lâu, người mới tiếp cận kỹ thuật này chỉ khắc được vài lá mỗi ngày”.

Ông Chau Chên còn khẳng định, bản thân sẽ cố gắng hết sức để hướng dẫn các sư những tinh túy trong kỹ thuật tạo tác kinh trên lá buông. Mong ước của ông lão Khmer này là kỹ thuật khắc chữ trên lá buông sẽ mãi được lưu truyền, để lời Phật dạy sẽ trường tồn trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, như những ngày ông được người đi trước dạy bảo kỹ thuật này từ năm 1970.

Tiếp cận kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông gần 1 tháng, sư Chau Rết (chùa Thiết, xã Văn  Giáo, TX. Tịnh Biên) chia sẻ: “Kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông dù khó, nhưng sư sẽ ráng học để biết, rồi còn dạy cho người khác. Đến giờ, sư cũng khắc chữ tạm được, có thể làm xong vài lá kinh mỗi ngày. Sư sẽ cố gắng thêm, để hiểu biết được kỹ thuật này rồi về khắc kinh lá buông cho chùa Thiết”.

Nói về giá trị của những bộ kinh lá buông, hòa thượng Chau Cắt khẳng định, trước đây hầu như ngôi chùa Khmer nào ở vùng Bảy Núi cũng có hàng chục bộ kinh lá buông. Tuy nhiên, số lượng kinh hiện nay còn rất ít. Những bộ còn lại cũng có tuổi đời hàng trăm năm.

“Chùa Mỹ Á trước đây cũng có rất nhiều bộ kinh lá buông. Do khói lửa chiến tranh, kinh bị cháy rất nhiều. Hiện, sư còn giữ được 5 bộ kinh để lưu truyền cho thế hệ sau. Có bộ tồn tại hơn trăm năm, có khi còn lâu hơn, nhưng do trên kinh không có ghi năm chế tác nên sư không tính được tuổi của bộ kinh. Sư luôn dặn các sư trẻ phải xem đây là tài sản quý của chùa, của phật tử Khmer, vì kinh là lời Đức Phật, là đường ngay, nẻo thiện” - sư Chau Cắt cho hay.

Hàng ngày, vị sư cả đáng kính vẫn thường xuyên đến xem các sư trẻ học khắc chữ trên lá buông. Ông luôn động viên các sư nỗ lực tiếp thu kiến thức, kỹ thuật tạo chữ trên lá buông để lưu giữ, trao truyền những lời Phật dạy, những giá trị tri thức của người Khmer cho đời sau.

“Sư mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các cấp tiếp tục hỗ trợ mở thêm những lớp truyền dạy khắc chữ trên lá buông hàng năm, để ngày càng có nhiều sư trẻ được học, được biết về giá trị tri thức của cha ông đời xưa để lại” - Hòa thượng Chau Cắt bày tỏ.

THANH TIẾN