Trên cánh đồng Ba Thê

27/04/2020 - 06:30

 - Mấy dịp ghé thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang) công tác, tôi thường dành thời gian chạy lên núi Ba Thê (Hoa Thê Sơn). Trong tiếng chuông chùa trầm bổng, nghe gió lùa qua từng chân tơ kẽ tóc, phóng mắt nhìn xuống cánh đồng trải dài tít tắp, tâm hồn chợt bình lặng, an nhiên. Thế nhưng, để có được sự bình yên ấy, là cả một câu chuyện trải dài của lịch sử.

Bia chiến công trên đỉnh Ba Thê

Theo lịch sử Đảng bộ thị trấn Óc Eo (1945-2015), Óc Eo là vùng đất có tuổi đời trên 2.000 năm, trải qua biết bao thăng trầm, biến động. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, khi người Việt có mặt ở vùng đất này, đánh dấu một quá trình khai mở đất đai song song với quá trình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệp và chống giặc ngoại xâm.

Dưới 2 tầng áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến và thực dân, đời sống của nhân dân vô cùng nghèo khổ, cơ cực. Họ bị cướp đất và trở thành tá điền trên chính mảnh đất của mình. Thiếu ăn, họ phải ăn củ co, bông súng, đào củ nừng trên núi Ba Thê. Củ nừng có nhựa độc, phải ngâm 7 nước rồi đãi thật kỹ, nấu chín mới ăn được. Trẻ em 10 tuổi trở lên mới có quần áo mặc. Nhiều cặp vợ chồng chỉ có một bộ quần áo, nên chồng ra đồng thì vợ ở nhà “trùm mền”.

Đến khi đế quốc Mỹ xâm lược, Óc Eo vẫn là nơi bị chú ý chiếm đóng (vì có núi Ba Thê án ngữ tuyến đường nối liền biên giới về vùng U Minh), bị tăng cường lực lượng đàn áp phong trào cách mạng trong vùng. Cánh đồng Ba Thê vẫn chìm trong nghèo đói, lầm than.

Hòa bình rồi, cũng như nhiều địa phương khác, Óc Eo gặp nhiều khó khăn, thử thách với thù trong, giặc ngoài, bị thiên tai, lũ lụt thường xuyên. Đặc biệt, cơn lũ lịch sử năm 1978 làm mất mùa trên diện rộng, gây cảnh hàng trăm hộ bị thiếu đói. Đây là lần đầu tiên, nhân dân Óc Eo sống trong vựa lúa, nhưng phải nhận cứu trợ từ tỉnh và trung ương.

Nhưng kỳ tích đã xảy ra, khi Đảng lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa. Chỉ trong 2 năm (1988-1989), Óc Eo đã chuyển toàn bộ diện tích làm lúa 1 vụ, năng suất thấp sang làm lúa 2 vụ, tạo ra sản lượng lương thực vượt trội. Sau đó là chuyển sang làm lúa 3 vụ, với những giống lúa chất lượng cao, đóng góp vào sản lượng lúa gạo xuất khẩu của huyện, tỉnh.

Để chuẩn bị cho công tác chuyển vụ, hệ thống kinh mương thủy lợi phải được nạo vét, khơi thông. Tỉnh đầu tư nạo vét, mở rộng tuyến kinh cấp II (kinh Ba Thê cũ, kinh vành đai núi), chính quyền vận động nhân dân đóng góp tiền để đào vét hệ thống kinh cấp III và kinh nội đồng. Hàng trăm nhân công được huy động mỗi ngày để đào vét kinh mương theo chế độ “lao động công ích” (từ 18 - 45 tuổi).

Gần 3 tháng sau, một hệ thống kinh mương nội đồng dài trên 20km (chiều rộng mặt 4m, sâu 1,5m, đáy 2m) đã được hoàn chỉnh để phục vụ cho diện tích lúa 2 vụ. Đối với diện tích đất cao quanh chân núi không thích hợp trồng lúa, chính quyền vận động nhân dân chuyển sang trồng màu (dưa hấu, dưa leo, bắp, đậu xanh, đậu nành, ớt…), mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Năm 2002, khu vực ấp Trung Sơn được thí điểm xây dựng đê bao diện tích 100ha để sản xuất lúa vụ 3 trong mùa nước nổi. Vụ 3 đầu tiên thắng lợi, năng suất 4 tấn/ha đã mở ra một hướng mới làm tăng sản lượng lúa hàng hóa. Nhà dân không còn bị ảnh hưởng lũ hàng năm, giao thông thuận tiện. Năm 2003, diện tích trồng lúa 3 vụ đạt hơn 50%. Đây cũng là năm Óc Eo trở thành thị trấn.

“Thắng lợi trong nông nghiệp và sản xuất - kinh doanh giúp cho việc vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của đầu tư phát triển nông thôn có nhiều thuận lợi. Mấy mươi năm trôi qua, Óc Eo trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây của huyện, trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên. Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, có tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch thương mại… Địa phương chuyển dịch kinh tế theo hướng lấy nông nghiệp làm nền tảng cho tăng trưởng thương mại - dịch vụ - du lịch; phấn đấu trở thành đô thị loại IV đến năm 2025”- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo Nguyễn Anh Dũng thông tin.

Cán bộ địa phương đưa tôi đi trên con lộ mới làm xong - lộ kênh Vành đai (nối liền ấp Trung Sơn và Tân Đông). Đây là con lộ hàng chục năm trước, ông Trần Văn Phến (sinh năm 1933, nguyên Bí thư chi bộ xã Vọng Thê, nay là thị trấn  Óc Eo) đề xuất thực hiện. Ông trò chuyện với chúng tôi trong buổi chiều tà, với chất giọng trầm buồn khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh.

Tuổi cao khiến ông không còn nhớ rõ từng chi tiết của quá khứ, nhưng vẫn đủ minh mẫn để kỳ vọng vào tương lai: “Óc Eo giờ đã phát triển rất nhiều so với trước, nhiều tiềm năng về du lịch, thương mại, nông nghiệp. Dĩ nhiên, còn đó nhiều vấn đề phải giải quyết, tháo gỡ, mới có thể nâng tầm đô thị, phát triển hơn nữa. Việc xây dựng quê hương là một quá trình lâu dài, không thể vội vàng, gấp gáp. Tôi mong các thế hệ lãnh đạo sau này tiếp tục lắng nghe ý kiến của người đi trước, tri ân quá khứ, có tâm, có tầm để đưa quê hương thay đổi mạnh mẽ”.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn, Óc Eo có 9 mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 97 liệt sĩ, 31 thương binh và 111 người có công với cách mạng. Trên đỉnh núi Ba Thê, một bia chiến công được dựng lên: “Nơi đây, ngày 6-5-1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí đánh tiêu diệt 29 tên địch đón đồn Hoa Thê Sơn”.

 

Bài, ảnh: GIA LẠC