Trên đồng nước lũ

04/10/2019 - 07:41

 - Mùa lũ, nhiều người dân tứ xứ có dịp hội tụ về để cùng hòa vào cuộc mưu sinh trên đồng nước. Giữa “đồng không, mông quạnh”, người ta không chỉ bàn nhau câu chuyện về câu, lưới, lọp, lờ… mà ở đó còn mang nét đẹp hiền hòa như con người miền Tây chân chất, dung dị nhưng luôn hào sảng, phóng khoáng.

Mưu sinh trên đồng nước lũ. Ảnh: HỮU HUYNH 

Theo từng con nước

Trên đồng Vĩnh Lộc một ngày cuối tháng 9, khi con nước lũ từ thượng nguồn đổ về đầy ắp phù sa. Trong cơn gió lạnh của buổi chiều muộn, thấp thoáng xa xa là những ngư dân đang giong xuồng giăng câu, thả lưới. Sau những ngày chờ đợi, con nước lũ đổ về khiến bà con vùng lũ ai cũng vui mừng khấp khởi. Câu chuyện “sống chung với lũ” đã trở thành “kỹ năng” của người dân bản xứ, bởi mùa lũ chính là mùa mưu sinh, mang lại rất nhiều nguồn lợi và phát triển sinh kế cho người dân. Không chỉ giăng câu, thả lưới, bắt ốc, thu hoạch sản vật từ lũ, người dân đầu nguồn còn triển khai nhiều mô hình như: nuôi tôm càng xanh chân ruộng, trồng rau thủy sinh… để tăng thêm thu nhập.

Thú vị nhất mùa này là được tham gia cùng bà con ra đồng bắt cá, hái bông súng, bông điên điển. Những chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng trên tắc ráng, vỏ composite gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước. Sau chuyến đi, xuồng ghe tấp nập về bến để mang sản vật lên vựa cân đong, lấy tiền. Từ những vựa này, sản vật mùa lũ được vận chuyển ra các chợ để đến từng bữa cơm gia đình, góp mặt trong thực đơn nhà hàng, quán ăn.

Nói tới đặc sản mùa nước nổi tức thì người ta nghĩ ngay tới con cá linh. Mùa sinh sản của cá linh thường bắt đầu từ tháng 5 (âm lịch). Đây là thời điểm “nước quay”, cá lớn dần theo con nước len lỏi theo các sông, rạch để tỏa vào đồng ruộng. Tám Phú (lão nông sống cố cựu ở đầu nguồn An Phú) kể rằng: “Hồi xưa, cá linh nhiều vô kể. Mỗi năm tới mùa nước nổi chỉ cần đặt lú cặp mé sông vài chục phút là có vài ký cá ăn không hết. Còn nếu cất vó, đặt dớn thì phải thay phiên xúc cá liên tục. Hồi đó, cá linh giá rẻ, không ai bán như bây giờ, (nhiều người ví von “rẻ bèo như cá linh”) nên ăn không hết phải ủ làm nước mắm hoặc làm mắm. Cho tới bây giờ mắm cá linh vẫn là đặc sản trứ danh của vùng lũ”. 

Năm nay lũ về muộn, tuy nước về nhiều nhưng cá linh rất ít, những loại tôm, cá khác cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều người cho rằng lũ về trễ nhưng lên nhanh và rút nhanh, nên con cá linh không kịp lớn; mặt khác còn do phía thượng nguồn sông Mekong xây nhiều đập thủy điện ngăn dòng chảy nên lượng cá giảm đáng kể. Đặc biệt là do những cánh đồng ở phía hạ lưu đê bao khép kín, không được xả lũ trong nhiều năm nên cá linh không còn chỗ trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Mấy chục năm trong nghề câu lưới, anh Tửng (xã Phú Hội) mới thấy chưa mùa lũ nào kỳ lạ như năm nay. “Tới tháng 9 mới thấy nước lên, rồi lên nhanh trong 2 tuần đã rút xuống nên cá tôm chưa kịp lớn. Mấy tháng trời, dân câu lưới tụi tôi “bó gối” ngồi chờ, nhưng lũ về cũng không mang lại bao nhiêu cá tôm. Nói chung, năm nay lượng tôm, cá rất ít ỏi. Nhiều người phải đi Bình Dương để tìm việc làm” - anh Tửng than!

Không riêng nghề câu lưới, những người đặt lọp cua đồng ở xã Vĩnh Hội Đông cũng có cùng tâm trạng, khi năm nay lượng cua giảm đi rất nhiều. Những vựa cua, ốc ở xã Vĩnh Hội Đông, Khánh An (An Phú) mỗi ngày thu mua vài trăm ký, nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 tấn. Còn các loại rắn năm nay rất hiếm, nên có giá khá cao. Theo đó, ốc đồng có giá bán 50.000 đồng/kg, cua càng 45.000 đồng/kg, cua cái 27.000 đồng/kg, rắn bông súng và rắn trun 170.000 đồng/kg, rắn ri voi có giá khoảng 400.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm.

"Nồi cơm" của dân câu lưới

Khu vực ngoài đê bao thuộc xã Nhơn Hội, Phú Hội, nước ngập trắng đồng là nơi để người dân khai thác lợi thế từ mùa lũ mang lại. Vòng qua bờ đông sông Hậu, vùng sản xuất hơn 9.000ha thuộc 3 xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu không đảm bảo “ăn chắc” vụ 3 (vụ thu đông) nên vào mùa lũ có dịp được làm sạch đồng ruộng, phục hồi dinh dưỡng sau thời gian dài sản xuất, đất đón phù sa giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn vào vụ mùa tới. Đây cũng là nơi ngư dân từ khắp các tỉnh ở miền Tây hội tụ về khai thác nguồn lợi thủy sản. Mặc dù không có thảm thực vật phong phú và rộng lớn như vùng Đồng Tháp Mười, nhưng vào mùa lũ nơi này cũng là “nồi cơm” của hàng ngàn dân câu lưới.

Trên đồng nước lũ ở đầu nguồn An Phú, ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản với rất nhiều loại ngư cụ: câu, lưới, lọp, lờ, lú, xà di… “Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định mới về đánh bắt thủy sản, nên ngư dân vùng lũ rất thận trọng trong việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên. Ngành chức năng địa phương tăng cường tuyên truyền nên những năm qua người dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, không còn khai thác kiểu tận diệt như: xuyệt điện, cào điện” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết.

Nét đẹp hiền hòa, chân chất như con người miền Tây là trên đồng lũ mênh mông nhưng không bao giờ cô quạnh. Ở đó, những con người tứ xứ nương tựa nhau trong cuộc mưu sinh. Dễ thấy là mỗi chiều sau khi thả lưới xong, những ghe xuồng tụ hội về một góc bờ kênh để nổi lửa nấu bữa cơm tối. Làn khói bếp bay giữa đồng mùa lũ, quyện với mùi cá nướng thơm phức và tiếng cười nói râm ran giữa đồng nước bao la… càng thêm gắn kết những con người tứ xứ. Hơi ấm tình người lan tỏa xa xa.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mặc dù năm nay lũ muộn, không cao, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy ở thượng lưu sông Mekong. Đặc biệt từ tháng 10, diễn biến lũ có thể sẽ thay đổi khi lưu lượng mưa nhiều ở thượng nguồn, cộng với các đập thủy điện phía trên sông Mekong đã tích đầy nước có thể xả bất thường… nên cần tích cực chủ động phòng, chống lũ tăng đột biến.

 

 HỮU HUYNH