![Tri ân nữ anh hùng Lê Thị Riêng](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250210/images/T11-NR.jpg)
Bà Lê Thị Riêng (bí danh Hai Liên), sinh năm 1925 trong gia đình nông dân nghèo xã Vĩnh Mỹ (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Cha bà tham gia kháng chiến chống Pháp rồi mất tích. Mới 3 tuổi, lại mồ côi mẹ, bà được chú ruột nuôi dưỡng. Về sau, một nhà giáo hoạt động cách mạng giới thiệu bà đi làm thợ dệt ở xưởng dệt Láng Tròn, tham gia Cách mạng tháng Tám 1945. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cán bộ Phụ nữ huyện Giá Rai, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá.
Đến năm 1949, bà giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc miền Đông Nam Bộ. Thời kỳ này, bà quen đồng chí Lê Văn Ba (quê quán Long Xuyên, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Rạch Giá). Ông ra Việt Bắc, năm 1953 trở về miền Nam chiến đấu và kết hôn với bà Liên, sinh được 2 con trai. Năm 1960, bà làm Phó Hội trưởng Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Khi phong trào Đồng Khởi lan rộng, bà Liên quyết định gửi 2 con ra Bắc học tập, rèn luyện để sau về Nam chiến đấu, còn mình bám trụ chiến trường. Tháng 4/1961, bà nhận tin chồng hy sinh trong trận đánh ở Đông Yên, xã Đông Hòa (tỉnh Biên Hòa cũ). Đến năm 1965, bà được tổ chức phân công phụ trách Trưởng ban Phụ vận Khu Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp vào nội thành chỉ huy lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn, Chợ Lớn.
Ngày 9/5/1967, trên đường đi công tác ở khu vực chợ Đa Kao (quận 1), bà bị tên phản bội chỉ điểm cho mật vụ bắt. Địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì từ bà. Địch đưa bà từ Biệt đội 23 sang phòng thẩm vấn đặc biệt của tình báo CIA Mỹ, rồi sang phòng Hoạt vụ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, tiếp tục đánh đập, châm điện, nhấn nước, dụ dỗ, mua chuộc... Chúng vẫn không khai thác được gì, trong khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 nổ ra khắp đô thị miền Nam, gây thiệt hại nặng nề.
Chiều mùng 2 Tết năm 1968, địch đẩy 3 tù chính trị là đồng chí Trần Văn Kiểu (Chín K, lãnh đạo Công đoàn Sài Gòn - Gia Định), bà Lê Thị Riêng và nữ biệt động Phùng Ngọc Anh (khối Hoa vận) lên xe Jeep bịt kín, chạy ra Tổng nha Cảnh sát. Tại đây, cả 3 bị bọn chúng đánh đập, tra tấn dã man, không thể tự đi đứng. Bọn chúng áp giải các đồng chí chạy xe loanh quanh nhiều đường phố Sài Gòn, đầy cảnh sát và súng đạn lăm lăm, đi đến Bến Hàm Tử rồi vòng xuống Chợ Lớn.
Khoảng 7 giờ tối, tiếng súng đạn nổ ra ở nhiều nơi, báo hiệu trận đánh quyết liệt của quân ta áp sát khu vực nội thành. Giữa khuya, chiếc xe tử thần lăn bánh chạy về hướng Chợ Lớn. Cả 3 tù nhân đưa mắt nhìn nhau, ngầm hiểu bọn địch lợi dụng 2 bên đánh nhau để dễ thủ tiêu. Họ nắm chặt tay nhắn nhủ, động viên nhau chiến đấu đến cùng. Khi xe vòng qua đường Hồng Bàng (quận 5), hàng chục tay súng điên cuồng nhả đạn. Bà Liên ngã xuống, đè phủ lên người Phùng Ngọc Anh để che đạn, sau đó tất cả lịm dần. Bà Ngọc Anh là người duy nhất còn sống. Khi tỉnh lại, nữ biệt động nhận ra 2 đồng chí của mình đã hy sinh.
Được tin, các tổ chức và Nhân dân yêu chuộng hòa bình cùng phụ nữ tiến bộ trên thế giới bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi thủ tiêu hèn hạ đối với nữ anh hùng Lê Thị Riêng và các đồng chí của bà. Điện từ Tokyo của Hội Hữu nghị Việt - Nhật (26/3/1968) viết: “Được tin bà Lê Thị Riêng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng và những người yêu nước đã bị tàn sát, chúng tôi vô cùng căm phẫn, nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ và bọn tay sai đầy tội ác, đồng thời thành thật chia buồn với tang quyến và Nhân dân Việt Nam”.
Bức điện từ Venezuela có đoạn: “Cuộc ám sát hèn nhát đối với bà Lê Thị Riêng đã gây nên luồng căm phẫn sâu sắc trong Đảng và quần chúng Nhân dân Venezuela, họ đang mỗi ngày lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ tại Việt Nam”. Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế từ Berlin (Đức) ngày 20/3/1968 có bức điện: “Chúng tôi tin chắc những hành động lên án còn tăng thêm nữa, rõ ràng phụ nữ miền Nam Việt Nam đã đấu tranh vì lòng yêu nước. Chúng tôi chuyển lời đến các con và gia đình bà Phó Chủ tịch lời chia buồn cảm động và tin chắc rằng tất cả phụ nữ trên thế giới sẽ chia sẻ nỗi đau đớn và phẫn nộ này…”.
Ngày 10/4/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lê Thị Riêng. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu xây dựng tượng đài, bia lịch sử, công viên, trường học, con đường mang tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng.
N.R (Tổng hợp)