Tri Tôn khoác “áo mới”

09/02/2021 - 03:18

 - Năm 2021, Tri Tôn (An Giang) phấn đấu nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 137,66 triệu đồng/ha; tăng thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình lên 48,95 triệu đồng; nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%, tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch đạt 86,47%; giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3%...

Xây dựng điểm bay  “độc nhất miền Tây”

Những ngày cuối tháng 11-2020, giới đam mê dù lượn cả nước hào hứng hẹn hò nhau về Tri Tôn để tham gia sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”.  Đông đảo khán giả kéo nhau đến khu vực hồ Soài Chek (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô) để tận mắt chứng kiến môn thể thao  “chưa từng diễn ra ở miền Tây Nam Bộ”, mà chủ yếu phổ biến ở vùng Tây Bắc xa xôi. Điểm bay mới thật sự hấp dẫn phi công bởi ngoài điều kiện thuận lợi về địa hình, thời tiết, sức gió, mặt bằng cất cánh, các đội bay còn được địa phương hỗ trợ nhiệt tình, tạo thuận lợi tối đa để thỏa sức bay lượn trên bầu trời Bảy Núi.

“Phong cảnh Phụng Hoàng Sơn (núi Tô) rất tuyệt vời. Từ  “sân bay” vồ Hội (cao khoảng 350m so với mực nước biển, nằm lưng chừng ở giữa Phụng Hoàng Sơn), phi công cất cánh xong có thể lượn vài vòng, quan sát toàn cảnh những thửa ruộng lúa nửa xanh, nửa chín vàng, những hàng cây thốt nốt trải dài, những con đường uốn lượn vào phum, sóc Khmer. Cách núi Tô một đoạn là đồi Tạ Pà với hồ nước xanh trong, ngôi chùa Khmer cổ nổi bật với tượng Phật cao trên đỉnh đồi; là trung tâm huyện Tri Tôn đang vươn mình phát triển. Xa xa hơn chút nữa là dãy núi Dài (Ngọa Long Sơn) trùng điệp, núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) với độ cao nổi bật… Khung cảnh Bảy Núi rất tuyệt vời mà các vùng, miền khác không có được” - ông Nguyễn Hữu Nam, thành viên Hội Dù lượn TP. Hà Nội, người được xem là phi công dù lượn cao tuổi nhất Việt Nam (69 tuổi) nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (bìa phải) trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ 3, từ phải sang) về định hướng du lịch của huyện

Đồng tình với cảm nhận này, anh Đàm Ngọc Huy (cũng là thành viên Hội Dù lượn TP. Hà Nội) cho rằng, với điều kiện bay khá lý tưởng và cảnh đẹp thiên nhiên, Tri Tôn có thể khai thác tốt DL nhờ vào điểm bay mới trên Phụng Hoàng Sơn. “Điển hình như tại Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), trước khi tổ chức bay dù lượn, chỉ có khoảng 1.000 du khách đến tham quan mỗi tháng.

Khi tổ chức sự kiện bay dù lượn, số du khách tăng lên gấp 50 lần, doanh thu DL cũng đạt cả trăm tỷ đồng. Rất nhiều du khách sẵn sàng chi 2 triệu đồng/lượt để bay cùng phi công, trải nghiệm quan sát toàn cảnh đẹp trong tầm mắt. Tri Tôn cần quan tâm đầu tư tuyến đường lên điểm cất cánh để tạo thuận lợi cho du khách cùng tham gia” - anh Huy chia sẻ.

Trải  “thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư

Nhận thấy tiềm năng DL lớn nên UBND huyện Tri Tôn đã xin chủ trương UBND tỉnh, được đồng ý triển khai xây dựng khu vực hồ Soài Chek dưới chân núi Tô thành Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao - Du lịch Soài Chek. Cùng với công viên Soài Chek, nhà văn hóa truyền thống, UBND huyện Tri Tôn đã xây dựng sân đua bò Bảy Núi đạt yêu cầu tổ chức sự kiện đua bò lớn.

Huyện đã đầu tư trên 5,8 tỷ đồng để triển khai thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường bê-tông dẫn từ cổng chào, nối tuyến đường trên đồi Tà Pạ vào hồ Soài Chek. Từ đây, thông tuyến ra khu DL Soài So-Suối Vàng và khu DL đồi Tức Dụp, tạo thế DL liên hoàn dưới chân núi Tô.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải) tặng bức trướng chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tri Tôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025)

“Trên đồi Tà Pạ, có doanh nghiệp (DN) đang xúc tiến đầu tư mô hình “thế giới thu nhỏ” các biểu tượng nổi tiếng của các nước, xây dựng khu nghỉ dưỡng cùng các dịch vụ cao cấp, đầu tư vùng trồng lúa sạch, bổ sung dinh dưỡng để làm sản phẩm DL. Tại khu vực hồ Soài Chek, cùng với phát huy điểm bay dù lượn mới, huyện kết hợp tổ chức đua bò Bảy Núi, đua môtô địa hình để tạo điểm nhấn DL. Tại đây, mỗi quý sẽ tổ chức ít nhất 1 sự kiện văn hóa - thể thao đặc sắc để phục vụ du khách.

Về lâu dài sẽ hình thành các sản phẩm, loại hình dịch vụ DL chuyên nghiệp, các biệt thự vườn ven hồ nước lớn, các điểm DL khám phá Phụng Hoàng Sơn… Tri Tôn đang mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các DN khảo sát, lập dự án đầu tư, làm bật các thế mạnh DL của huyện” – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm khẳng định.

Cùng với DL, nông nghiệp cũng được xem là thế mạnh của Tri Tôn. Để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, Tri Tôn tập trung mời gọi các DN đầu tư xây dựng nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo hiện đại, trang trại bò, heo công nghệ cao, vùng chuyên canh chuối cấy mô, cây ăn trái, lúa chất lượng cao…

Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX) kiểu mới để liên kết với DN. Năm 2020, trong số 18 HTX liên kết thành lập mới với Tập đoàn Lộc Trời, có 8 HTX thành lập trên địa bàn huyện Tri Tôn, nâng số HTX liên kết xây dựng “Cánh đồng lớn” với DN này lên 11 HTX (Lộc Trời tham gia góp vốn, nhân sự điều hành). Đến nay, toàn huyện có 21 HTX, 54 tổ hợp tác và 23 trang trại.

Ông Cao Quang Liêm cho biết, dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long với vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng trên địa bàn xã Lương An Trà đã cơ bản hoàn thành. Khi đưa vào hoạt động, hệ thống nhà máy chế biến gạo công nghệ hiện đại với công suất 250.000 tấn gạo, sức chứa 500.000 tấn lúa, sẽ góp phần nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện Tri Tôn. Với dự án nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Tín Thành, một diện tích rất lớn ruộng trên canh tác lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng cây cao lương để phục vụ nhà máy. Một dự án lớn khác cũng được kỳ vọng giúp nông nghiệp Tri Tôn tăng tốc là trang trại bò sữa công nghệ cao với vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia.

“Đoạn đường từ cầu Vĩnh Lạc vào trang trại TH True Milk đang được đầu tư kinh phí 55,6 tỷ đồng để đổ bê-tông dày, rộng 9m, phục vụ cho các DN vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trọng lớn ra tuyến N1. Đối với tuyến Tỉnh lộ 958 (ngang xã Lương An Trà), cũng đang được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu các dự án lớn đã đầu tư, sắp tới là dự án nuôi cá kết hợp khai thác điện năng lượng mặt trời quy mô 519ha của Công ty Cổ phần Nam Việt (triển khai ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà” – ông Liêm thông tin.

Kỳ vọng phát triển

Năm 2020, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cùng với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tri Tôn còn tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện. Kết quả có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt so nghị quyết. Có thể nói, Tri Tôn phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cả về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp bộ mặt đô thị, nông thôn cho đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (hiện có khoảng 38.539 người, chiếm 32,81% dân số toàn huyện Tri Tôn năm 2020).

Tri Tôn cũng quan tâm giữ vững mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp với chính quyền và nhân dân các xã, huyện giáp biên bên phía Campuchia, vừa tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thăm Hợp tác xã trồng xoài VietGAP ở Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn)

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, kết quả đạt được năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng bộ tiếp tục phấn đấu, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, DL, thương mại, dịch vụ gắn với tổ chức lại sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đây là yếu tố rất quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để Tri Tôn tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

“Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 là:  huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó coi trọng sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp và phát triển đô thị; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, kinh tế nông nghiệp và DL; tập trung mời gọi, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, DL và công nghiệp chế biến. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này” - ông Liêm nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN