Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Các hành vi bị trừ điểm
Theo Bộ Công an, việc trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức này vừa mang tính răn đe, vừa giáo dục, động viên người dân chấp hành luật giao thông. Trên quan điểm đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm, thấp nhất 2 điểm và cao nhất là 12 điểm.
Cụ thể, hành vi trừ 2 điểm, bao gồm: Tài xế liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông (TNGT) mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Lái xe ôtô kéo theo xe khác, vật khác (trừ trường hợp kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc một xe ôtô, xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được); lái xe ôô đẩy xe khác, vật khác; lái xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác, vật khác; khi kéo nhau không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo; tài xế cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang lái xe. Người lái dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông. Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến 20km/giờ. Hành vi chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển; lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25m/1 lít khí thở...
Bị trừ 3 điểm các hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều". Lái xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn mà gây TNGT; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây TNGT. Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 đến 35km/giờ.
Các hành vi vi phạm bị trừ 6 điểm, gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. Gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn; không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Bị trừ 10 điểm hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở. Bị trừ sạch 12 điểm về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Lái xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; lái xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/giờ; lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.
Phục hồi điểm
Theo Bộ Công an, điểm GPLX được sử dụng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, gồm 12 điểm. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX. Chính phủ sẽ quy định chi tiết những hành vi, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX, được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Chủ phương tiện vi phạm có thể vừa bị trừ điểm bằng lái xe vừa bị phạt tiền, nhưng tài xế không bị tước bằng GPLX. Mỗi lần bị trừ điểm sẽ là tiếng chuông cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn. Quá trình bị trừ điểm, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh như đã bị tước GPLX. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức, kết quả đạt yêu cầu sẽ được phục hồi 12 điểm. GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép trước khi đổi, cấp lại.
Theo Bộ Công an, trước khi đưa ra những đề xuất trên, Ban soạn thảo đánh giá tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm còn phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa giao thông chưa hình thành rõ nét. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước trên 500.000 GPLX các loại. Tai nạn giao thông tuy giảm, nhưng còn ở mức cao, trong đó, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu do người lái không chấp hành pháp luật giao thông.
N.R (Tổng hợp)