Sản lượng lớn
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam ra thế giới đạt khoảng 1,8 tỷ USD, bằng 75% năm 2022. Các thị trường lớn của cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU (Liên minh Châu Âu) và các quốc gia Châu Á. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, cả năm 2023, thị trường Trung Quốc nhập trên 8.600 container cá tra. Ngoài sản phẩm cá fillet, thị trường này còn tiêu thụ mạnh các mặt hàng giá trị gia tăng, bong bóng cá tra phơi khô cùng cá tra nguyên con xẻ bướm. Sản lượng cá tra xuất vào thị trường Trung Quốc đang tăng đáng kể và hiện đang ở mức 400.000 tấn/năm. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho nông sản Việt nói chung, cá tra Việt Nam nói riêng.
Tháng 2/2023, ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, các thương nhân Trung Quốc đã đặt mua của Công ty Cổ phần Nam Việt đến 500 container, tương đương 12.000 tấn cá tra thành phẩm. Động thái này đã làm cho giá cá nguyên liệu từ 26.500 đồng/kg nhanh chóng tăng lên 28.000 đồng và tiếp cận mốc 29.000 đồng/kg sau 2 tháng. “Giá cá tra đầu tháng 2/2023 tăng mạnh là nhờ Trung Quốc mở cửa nhập hàng. Khi họ mua hàng thì giá cá nguyên liệu trên thị trường tăng lên, nhiều hộ đã cắt được lỗ, nuôi cá có lời” - ông Trần Trọng Hiếu, ngư dân xã Long Giang (huyện Chợ Mới) nhận xét.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, đặc điểm của thị trường Trung Quốc là mua hàng với số lượng “khủng”, mặt hàng đa dạng, giá cả cũng khá tốt. Ngoài fillet, thị trường này còn mua cá tra xẻ bướm, nguyên con (bỏ nội tạng), cắt khúc, các mặt hàng giá trị gia tăng cùng dầu cá, bột cá, da cá… Cụ thể, đối với cá tra fillet, giá xuất vào thị trường này hiện từ 3,5 - 3,6 USD/kg. Đây được xem là giá xuất tốt nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay.
Chất lượng cao
Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn của cá tra Việt Nam, bởi dân số Trung Quốc hiện nay đã trên 1,4 tỷ dân. Các tỉnh tiêu thụ nhiều cá tra của Việt Nam, trước hết phải kể đến Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồ Nam. Năm 2023, nếu tỉnh Sơn Đông tiêu thụ 23.000 tấn/năm thì Thượng Hải 13.000 tấn, Hồ Nam 4.000 tấn. “Khi kinh tế nước này phục hồi, lượng tiêu thụ cá tra sẽ tăng lên một cách nhanh chóng. Bởi cá tra Việt Nam xuất sang đây vừa rẻ lại vừa ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công ty Cổ phần Nam Việt đang tập trung làm hàng cho thị trường này và chúng tôi xác định đây là một trong những thị trường lớn, bởi giá xuất ngày càng được cải thiện” - ông Doãn Tới cho hay.
Có thời điểm, giá xuất cá fillet chất lượng cao (không hóa chất, tăng trọng) được thương nhân Trung Quốc mua với giá 3,5 - 3,6 USD/kg, không thua gì thị trường Hoa Kỳ. “Trung Quốc bây giờ không còn là thị trường cấp thấp như mọi người từng nghĩ, mà đã trở thành thị trường cấp cao. Sản phẩm có chứa các loại dư lượng sẽ bị kiểm soát gắt gao, thậm chí sẽ không cho nhập vào thị trường này” - bà Lê Thị Hằng (thương nhân Trung Quốc) chia sẻ.
Bà Hằng thông tin, cá tra nguyên con xẻ bướm hoặc mặt hàng nguyên con bỏ nội tạng được các đầu bếp nổi tiếng ở Quảng Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh chế biến thành món cá tra đúc lò, cá tra nấu canh dưa chua Tứ Xuyên, cá tra tẩm bột chiên giòn… Đây là những món ăn khoái khẩu của người dân nơi đây.
Cá tra Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc, nhưng trong tương lai gần, viễn cảnh DN Việt “một mình một chợ” sẽ không còn nữa, bởi từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã nghiên cứu và nuôi thành công cá tra. Năm 2023, tổng sản lượng cá tra toàn cầu đạt 2,9 triệu tấn thì Trung Quốc đã cung cấp ra thị trường 400.000 tấn, đứng sau Ấn Độ và Indonesia. “Khi Trung Quốc chủ động nuôi được cá tra để cung cấp ra thị trường nội địa, DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi chiến lược bán hàng. Cụ thể, cần đẩy nhanh việc xuất các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này, thay vì tập trung cho các mặt hàng fillet, cắt khúc hay cá tra xẻ bướm. Tiếp tục đầu tư khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất để hạ thấp giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng khuyến cáo.
“Xác định Trung Quốc là thị trường lớn của cá tra Việt Nam, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu sản phẩm tại thị trường này để lượng tiêu thụ tăng cao hơn nữa. Thực tế trong những năm qua, khi Trung Quốc mở cửa kho để mua cá tra, giá cá nguyên liệu nhanh chóng tăng lên, người nuôi cắt được lỗ, ổn định đời sống” - ông Trần Văn Nam (người nuôi cá ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới) kiến nghị. |
MINH HIỂN