Truyền thông lành mạnh trong thời kỳ khủng hoảng

31/03/2023 - 14:55

Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tháng 2 một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của thông tin liên lạc trong thời kỳ khủng hoảng.

Cũng giống như các sự kiện những năm gần đây, trong thảm họa động đất này, thông tin từ báo chí và truyền thông, đặc biệt là các nền tảng truyền thông xã hội, trở thành “cánh tay nối dài” cho mọi nỗ lực ứng phó và quản lý khủng hoảng. Đây cũng là lúc vấn đề truyền thông lành mạnh trong khủng hoảng trở thành mối quan tâm hàng đầu bởi thông tin đúng giúp thúc đẩy mọi nỗ lực ứng phó và ngược lại, thông tin sai lệch vì bất kỳ mục đích nào cũng cản trở các nỗ lực vốn đang vô cùng cấp thiết, thậm chí có thể đẩy khủng hoảng đi xa hơn.

Những ngôi nhà bị tàn phá do động đất tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 54.000 người, hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa và để lại di chứng tâm lý khó có thể chữa lành nhanh chóng cho những người ở lại. Trong vòng xoáy đau thương đó, tinh thần sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ và mong muốn được góp phần giúp đỡ đồng loại trong hoạn nạn của con người nhân rộng chưa từng thấy và cơn khát thông tin cũng theo đó dâng cao. Thông tin cập nhật từ báo chí và truyền thông được quan tâm đặc biệt, nền tảng truyền thông xã hội cung cấp cơ hội giao tiếp và tương tác với lượng lớn người dùng trở thành kênh phổ biến thông tin một cách nhanh chóng và hợp túi tiền. Thông tin liên lạc thông suốt và chính xác đã giúp ích rất nhiều cho các hoạt động phối hợp những nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và viện trợ một cách hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Đáng tiếc là bên cạnh những thông tin đúng, không ít thông tin sai, giả mạo cũng đã xuất hiện. Có những video đăng trên mạng xã hội dù sai lệch nghiêm trọng đã thu hút rất nhiều lượt xem như video gắn  dòng chú thích “một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ” dù nước này chưa có nhà máy điện hạt nhân. Ngay sau khi động đất xảy ra và cho tới tận bây giờ, mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn lan truyền các thông tin gây chia rẽ, kích động thù hận nhằm vào người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hoạt động lừa đảo, mạo danh các quan chức hoặc sao chép trang web của các tổ chức viện trợ chân chính để kêu gọi viện trợ giả mạo cũng không thiếu. Mặc dù số lượng những nhóm lừa đảo này không quá nhiều nhưng các nền tảng mạng xã hội đã khuếch đại tác động của chúng, khiến nhiều người mắc bẫy hơn và đưa ra những quyết định trong trạng thái bị cảm xúc chi phối.

Các hãng chuyên xác thực thông tin ở Thổ Nhỹ Kỳ như Teyit hay Verify-sy ở Syria đã báo cáo tình trạng quá tải khi các thông tin sai lệch không ngừng xuất hiện như thủy triều dâng. Ít nhất 3 đơn vị thông tin truyền thông và khoảng 80 cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhà chức trách phạt tiền hoặc cấm sóng vì vi phạm quy định, đưa tin thất thiệt gây hoang mang, làm rối loạn các nỗ lực ứng phó thảm họa. Trong một thời gian ngắn, Ankara cũng đã phải chặn truy cập mạng xã hội Twitter tại nước này khi có quá nhiều thông tin gieo rắc sự hoang mang, kích động chia rẽ đoàn kết lan truyền trên nền tảng này sau động đất.

Xét trên góc độ quản lý khủng hoảng, các nền tảng xã hội nếu không được sử dụng tốt, có thể đóng vai trò gây rối. Nhầm lẫn và thông tin sai lệch dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến sự hỗn loạn, gây hoang mang nghiêm trọng và hậu quả khôn lường. Thông tin sai lệch thậm chí còn gây hại đến mức làm gián đoạn hoặc chệch hướng các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn, gây lãng phí thời gian và nguồn lực trong lúc cấp thiết nhất.

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Từ câu chuyện truyền thông được phản ánh trong thảm kịch động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy rằng vai trò thiết yếu của thông tin liên lạc thông qua báo chí và truyền thông là rất rõ ràng nhưng chúng cũng có thể trở thành nguồn chia sẻ thông tin mang tính thao túng cao, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Việc đưa tin sai lệch vì mục đích trục lợi riêng hay sự thiếu cân bằng trong việc đưa tin, thiếu tính so sánh dựa trên căn cứ của khoa học bằng chứng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trên thực tế những thông tin tiêu cực cũng cản trở những nỗ lực ứng phó các cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu như hiện tượng Trái Đất nóng lên, thiên tai hay bảo vệ môi trường…

Tại Mỹ Latinh, bên cạnh nhan nhản các tin giật gân phản ánh mặt xấu của xã hội, hầu như ngày nào trên báo chí khu vực cũng tràn ngập các tin về thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh cùng các dự đoán đầy bi quan về tương lai. Hậu quả của trào lưu thông tin trên khiến một bộ phận giới trẻ tại khu vực 650 triệu dân mất niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy “ngày tận thế” đang cận kề. Tuy chưa có một thống kê chính thức, nhưng số lượng người trẻ bất mãn, buông xuôi và thậm chí tự tử vì mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai đang có chiều hướng gia tăng. Hậu quả của việc đưa tin thiếu cân bằng khiến báo chí khu vực “bỏ quên” một mặt tích cực đó là thiên nhiên cũng như cuộc sống của nhân loại đang dần tốt lên so với trước kia.

Theo Tạp chí khoa học Livescience, trong những năm 1920 của thế kỷ trước, trung bình mỗi năm Trái Đất chứng kiến hơn nửa triệu người thiệt mạng do thiên tai, trong khi số liệu ghi chép trong 1 thập niên gần đây cho thấy trung bình mỗi năm thế giới mất đi khoảng 18.000 người từ những thảm họa này. Điều này có thể lý giải là do nhân loại được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như khi cuộc sống sung túc hơn, nhà ở kiên cố hơn đã giúp nâng cao khả năng sống sót trước thiên tai, giảm thiệt hại kinh tế so với trước kia, ít nhất ở khía cạnh tính thiệt hại trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng quốc gia, cũng như trên quy mô GDP toàn cầu.

Trên thực tế, có quá nhiều tin xấu đến nỗi người tiếp nhận thông tin hiếm khi dừng lại để xem xét rằng, xét trên những chỉ số quan trọng nhất, cuộc sống đang trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tuổi thọ của con người đã tăng gấp đôi trong thế kỷ qua, từ 36 tuổi vào năm 1920 lên hơn 72 tuổi năm 2021. Một trăm năm trước, 3/4 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực nhưng đến nay, con số này là ít hơn 1/10.

Thực tế số ca tử vong do ô nhiễm không khí trong những năm 1920 của thế kỷ trước còn cao hơn đến 4 lần so với hiện nay, bắt nguồn từ khí CO2 phát thải trong giai đoạn công nghiệp hóa cao độ đầu thế kỷ XX, cũng như việc chủ yếu đun nấu và sưởi ấm bằng những vật liệu sản sinh ra nhiều khí độc khi đốt cháy dưới nhiệt độ cao. Gần đây nhất, đại dịch COVID-19 hoành hành gây ra những hậu quả chưa hề có tiền lệ về kinh tế - xã hội, nhưng nhờ tiến bộ về y học, công nghệ và tinh thần đoàn kết, tình hình đã ngày một cải thiện và đưa thế giới dần trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian gián đoạn. Bức tranh này ngược với những luồng thông tin tiêu cực, những thuyết âm mưu theo mô tuýp “chủ nghĩa thảm họa” cộng thêm hiệu ứng truyền thông từng tạo nên một bầu không khí tựa như ngày tàn của Trái Đất đang đến rất gần trong thời gian đầu đại dịch bùng phát.

Không thể phủ nhận các thông tin mang tính cảnh tỉnh, dự báo về các vấn đề toàn cầu như tình trạng nóng lên của Trái Đất, tình trạng tàn phá rừng làm mất cân bằng sinh thái hay diễn biến của dịch bệnh trên toàn thế giới, là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu thông điệp của truyền thông thiếu tính cân bằng mà chỉ xoáy sâu, thậm chí làm trầm trọng hóa vấn đề, hậu quả gây ra sẽ khôn lường, làm ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách, hao tổn nguồn lực xã hội, cũng như bào mòn niềm tin, đặc biệt là của thế hệ kế cận về một tương lai tươi sáng hơn.

Sự thực là trong khủng hoảng, sự đoàn kết, hợp tác và chia sẻ nỗi đau của những người bị ảnh hưởng bằng phương thức đúng đắn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để khắc phục thảm họa đó. Sự bất lực và tuyệt vọng ít nhất cũng tàn khốc như một trận động đất trong xã hội. Càng ở những giai đoạn khủng hoảng, báo chí và truyền thông lành mạnh lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, bởi khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và sai lệch, thông tin tiêu cực có thể che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.

Theo TTXVN