Tư vấn hướng nghiệp: Không chỉ chờ đến sát mùa thi

23/10/2020 - 14:10

Kết quả của đợt 1 tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2020 theo phương thức dựa trên kết quả thi trung học phổ thông đã cho thấy có những ngành học thu hút nhiều thí sinh với mức điểm chuẩn rất cao và cũng có những ngành quá ít người đăng ký dù thị trường lao động có nhu cầu.

Thực trạng này đòi hỏi bên cạnh việc tính toán về chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu tuyển dụng, có thêm chính sách thu hút người học ở một số ngành đặc thù, một yếu tố rất quan trọng là cần chú ý nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng và có lựa chọn vừa phù hợp với khả năng của bản thân vừa đáp ứng được sự đa dạng ngành nghề của thị trường lao động. 

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại gian hàng của các trường trong Ngày hội Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN

Tâm lý chuộng ngành “thời thượng”

Một số chuyên gia nhận định một bộ phận học sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng có tâm lý ”chuộng” các ngành thường được cho là hấp dẫn, dễ tìm việc, thu nhập cao… và “né” những ngành bị mặc định là vất vả, khó tìm việc làm trong khi bản thân chưa thực sự tìm hiểu đầy đủ thông tin cũng như những yêu cầu hoặc lợi thế liên quan. Theo thông tin từ Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong vài năm trở lại đây, ngành Khoa học thủy sản của trường rất khó tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thí sinh “e ngại” ngành học mang tính đặc thù sẽ vất vả, môi trường làm việc thường ở vùng nông thôn. Trong khi đó, thực tế là thị trường lao động trong nước, đặc biệt là tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long - nơi có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản luôn cần nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực này.  

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Như Trí, Trưởng Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Ngành Nông nghiệp Việt Nam coi thủy sản là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn và sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu về thủy sản cho Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu nhân lực đối với ngành này rất cao, nhà trường thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Trước thực trạng một số ngành “hút” lượng lớn thí sinh trong khi một số ngành lại rất khó tuyển sinh, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, mùa tuyển sinh năm 2020 và những năm gần đây rất nhiều thí sinh chọn đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại… Không thể phủ nhận, hệ thống đào tạo ở nước ta đang phát triển theo hướng thích nghi với thị trường lao động, do đó có những ngành sẽ cần nhiều lao động, có những ngành cần số lượng lao động ít hơn. Tuy nhiên, ngay cả với những ngành được coi là hấp dẫn” hút” lượng lớn lao động thì cùng với đó cũng đòi hỏi sự cọ xát, cạnh tranh rất lớn và có sự tương tác, kết hợp với những ngành như logistics, công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Nếu người học không thật sự say mê, không có ý thức học nghiêm túc, trang bị thêm cho mình kiến thức kỹ năng bổ trợ cần thiết vẫn rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Cần tăng cường hướng nghiệp

Để từng bước khắc phục tình trạng có những ngành đổ dồn lượng thí sinh lựa chọn trong khi có những ngành dù thị trường lao động vẫn có nhu cầu nhưng lại khó tuyển sinh, một số chuyên gia và giáo viên cho rằng, cần có giải pháp lâu dài từ cả cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục và bản thân người học. Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo cần có nhiều hơn các chính sách khuyến khích người học như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cam kết hỗ trợ việc làm… Nhưng, một trong những giải pháp mang tính quyết định vẫn là tăng cường tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề cho cả học sinh và phụ huynh học sinh.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết. Điều này thể hiện tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cùng với những yêu cầu cụ thể đối với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề hay tư vấn định hướng nghề cho học sinh ngay từ cấp tiểu học chứ không phải chỉ tập trung vào cuối bậc học trung học cơ sở, trung học học phổ thông hoặc thời điểm cận kề mỗi mùa tuyển sinh.   

Cô Nguyễn Thụy Ái Nhân, giáo viên Trường Trung học phổ thông Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Nhiều năm trực tiếp làm công tác giáo viên chủ nhiệm, cô nhận thấy công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất quan trọng, đòi hỏi cả quá trình chứ không chỉ dồn vào một thời điểm nhất định và cần sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường cùng các cơ sở giáo dục bậc trung cấp, cao đẳng và đại học. Ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các em đã có những hiểu biết nhất định về một số ngành nghề. Nhưng những hình thức hướng nghiệp sinh động, dễ tiếp thu như những chuyến tham quan, trải nghiệm đến các nhà máy, trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… là rất cần thiết, giúp học sinh làm quen, tìm hiểu rõ hơn, từ đó có định hướng theo học về một số ngành, nghề mà có thể trong môi trường sống quen thuộc  hàng ngày, các em chưa có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến thời điểm này ở hệ thống giáo dục đại học ở nước ta đang đào tạo khoảng trên 370 nghề, bậc cao đẳng đào tạo 580 nghề và bậc trung cấp đào tạo khoảng 850 nghề thể hiện sự đa dạng, phong phú ngành nghề để học sinh lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Ngoài ra thực tế cũng cho thấy, thị trường lao động có những ngành thu hút lượng lớn lao động, có ngành nghề thu hút ít nhưng không có nghĩa nếu chọn học những ngành này sẽ thất nghiệp. Nếu mỗi học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, tích cực tích lũy kiến thức và trang bị thêm các kiến thức liên quan, sẽ đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Theo THANH TRÀ (Báo Tin Tức)