Lao động là niềm vui
Một gian hàng đơn giản với khoảng chừng hơn 10 chiếc nón, túi đủ màu sắc được móc từ sợi len, sợi chỉ được bà Nguyễn Thị Thia (78 tuổi, ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bày biện trên tấm bạt nhỏ, cạnh đường lên tượng Phật Di Lặc ở đỉnh núi Cấm. Tất cả những sản phẩm được bày bán đều do bà Thia tự tay móc và trang trí thêm phụ kiện đẹp mắt, chào bán cho du khách đến tham quan núi Cấm. Bà Thia cho biết, một ngày có thể móc được từ 5-7 nón lớn, nhỏ và tùy vào chất liệu mà sẽ được bán với giá 50.000-70.000 đồng/nón. Ngoài móc nón, bà Thia còn móc thêm túi xách, túi đựng điện thoại bằng cả len và chỉ.
Trước đây, bà Thia bán bún riêu, nhưng vì tuổi già, công việc nấu ăn, buôn bán khá cực nhọc nên bà đã nghỉ. Dù tuổi đã lớn, nhưng vì đã quá quen với việc lao động mỗi ngày, nên khi không được làm việc, thời gian rảnh rỗi nhiều quá, bà Thia lại thấy buồn bực trong người. Sau đó, thấy ở gần nhà có người móc len nên bà sang học nghề rồi sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, bày bán cho du khách.
Đều là những sản phẩm tự làm nên bà Thia bán với giá rẻ, nhờ vậy mà được nhiều người ủng hộ. Vừa chào bán hàng, đôi bàn tay của bà Thia vẫn không ngơi nghỉ, thoăn thoát móc một chiếc nón mới để thêm vào “bộ sưu tập” của riêng mình. Bà Thia vừa làm vừa kể: “Hôm trước, được người em dẫn đi chơi ở Đà Lạt, được tham quan nhiều sản phẩm len có mẫu mã đẹp nhưng họ bán giá hơi cao. Tôi học theo, về đây làm bán cho du khách. Thấy họ thích sản phẩm của mình, tôi bớt giá cho vui”.
Có con, có cháu nhưng vì thích yên tĩnh và vẫn còn sức khỏe nên bà Thia muốn ở một mình. “Ở nhà hoài buồn lắm, vừa móc nón rồi bán như vậy mà vui. Ngày nào bán được, trừ hết chi phí lời cũng được 100.000 đồng, tiền này phần lo ăn uống, phần để sau này có bệnh tật gì thì tiếp con cái để lo cho mình” - bà Thia chia sẻ.
Nhiều người lớn tuổi vẫn lao động để có thu nhập, chăm lo cho cuộc sống
Không phiền con cháu
Tính đến nay, cũng gần 20 năm bà Trương Thị Lợi (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) gắn bó với nghề đẩy xe bán trái cây. Do đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ đẩy chiếc xe chở đầy ắp các loại trái cây nên người dân địa phương gọi bà bằng cái tên thân mật “Bà Tư bán trái cây”.
Trước đây, lúc còn khỏe, bà Lợi đi làm công nhân cho các cơ sở ở TP. Châu Đốc, rồi về sau sức khỏe yếu hơn nên trở về quê, chọn nghề buôn bán hàng rong để mưu sinh. Từ đó, nghề bán các loại trái cây theo mùa của bà Tư trở thành kinh tế chính của gia đình. Theo lời bà Lợi, chồng bà sức khỏe yếu hơn lại mang bệnh trong người nên không làm được gì nhiều, chủ yếu ở nhà lo cơm nước. Đứa con gái có gia đình nhưng cuộc sống cũng khó khăn nên 2 vợ chồng bà tự buôn bán, lo bữa ăn hàng ngày để con cái khỏi nặng lòng.
Một ngày làm việc của bà Lợi bắt đầu từ rất sớm và kết thúc lúc 5-6 giờ chiều. “Phải đi chợ sớm mới có trái cây ngon bán cho bà con. Hôm nào bán đắt hàng được quay về nhà sớm, nghỉ ngơi dưỡng sức để mai bán tiếp. Còn hôm nào bán không đắt hàng, phải ráng đi thêm vài đoạn nữa để bán hết, chớ để trái cây hư lỗ vốn” - bà Tư trải lòng.
Mỗi ngày, nếu bán hết trái cây, bà Trương Thị Lợi có thể lời hơn 100.000 đồng, đủ lo tiền ăn uống cho vợ chồng già. Đã có tuổi, phải đi nhiều nên đôi chân của bà Lợi cũng yếu hơn trước đây rất nhiều, nhưng vì mưu sinh nên vẫn đi buôn bán mỗi ngày, kể cả ngày nắng hay mưa. “Được cái mình buôn bán thiệt tình nên bà con thương, mua hàng ít trả giá lắm. Còn hôm nào trời mưa quá, đẩy xe đi không được nhiều, trái cây còn nhiều, cũng có người lại mua tiếp, tình làng nghĩa xóm là vậy đó” - bà Lợi chia sẻ.
Trong cuộc đời, ở độ tuổi xế chiều, có lẽ điều mong muốn lớn nhất của mỗi người là có một cuộc sống viên mãn, sung túc bên con cháu. Nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau, người vì không muốn phiền hà con cháu, người thì vẫn thấy mình còn đủ sức khỏe để mưu sinh, để lao động nên vẫn còn rất nhiều người lớn tuổi tần tảo mưu sinh giữa cuộc sống này. Điều rất đáng trân trọng ở những người lớn tuổi này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vẫn cho thấy giá trị của bản thân, lao động khi còn khỏe, không trông chờ hay ỷ lại vào con cháu, xã hội.
ÁNH NGUYÊN