Tỷ giá USD hôm nay trên thế giới
Đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rằng họ vẫn đang hướng tới việc giảm chi phí đi vay, nhưng nhấn mạnh lại việc họ cần chắc chắn rằng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt trước khi cắt giảm lãi suất.
Trong tuyên bố của mình, Fed cho biết: “Trong những tháng gần đây, lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu 2%”.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Ảnh: Marketwatch |
Tuyên bố này phần lớn đúng như mong đợi của thị trường, trong khi Chủ tịch Fed Powell cũng khẳng định trong một cuộc họp báo rằng, khó có khả năng động thái tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ là tăng lãi suất, làm giảm bớt một số lo ngại về việc Fed có khả năng chuyển sang quan điểm "diều hâu" hơn.
Lạm phát giá tiêu dùng cao hơn dự kiến trong tháng 3 đã khiến các nhà giao dịch đẩy lùi kỳ vọng về thời điểm Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể cắt giảm lãi suất. Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed hiện đang định giá Fed sẽ cắt giảm 35 điểm cơ bản trong năm nay, tăng từ mức 29 điểm cơ bản trước tuyên bố của Fed.
Vào cuối phiên giao dịch, chỉ số DXY giảm 0,6% xuống mức 105,63, sau khi đạt mốc 106,49 trước đó, mức cao nhất kể từ ngày 16-4. Việc phá vỡ trên mốc 106,51 đưa chỉ số này đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Fed cũng tuyên bố sẽ giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán bắt đầu từ ngày 1-6.
Chỉ số kinh tế quan trọng tiếp theo sẽ là báo cáo việc làm tháng 4 được công bố vào ngày 5-5, dự kiến các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 243.000 việc làm trong tháng.
Trước đó, báo cáo Việc làm của ADP hôm 1-5 cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 4, trong khi dữ liệu của tháng trước được điều chỉnh cao hơn. Trong khi đó, một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 1-5 cho thấy, cơ hội việc làm ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng 3, trong khi số người bỏ việc giảm.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng yên Nhật tăng vọt so với đồng USD vào cuối phiên giao dịch vừa qua, do thị trường đang đồn đoán về những động thái can thiệp của các cơ quan tiền tệ Nhật Bản để hỗ trợ đồng yên.
Đồng yên tăng lên mốc 153,19/USD và chốt phiên giao dịch ở mức 154,83/USD.
Động thái này xảy ra ngay sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa và Chủ tịch Fed Jerome Powell kết thúc cuộc họp báo.
Joe Trevisani, nhà phân tích cấp cao tại FX Street, cho biết: “Có vẻ như đó là sự can thiệp. Tôi không nghĩ người Nhật sẽ nói bất cứ điều gì hoặc thừa nhận điều đó. Lần trước họ đã không làm vậy, nhưng chắc chắn có vẻ như vậy”.
Đồng yên cũng tăng vọt vào phiên giao dịch đầu tuần ở mức 154, sau khi chạm mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245/USD. Các quan chức Nhật Bản hôm 29-4 từ chối bình luận về động thái của họ trên thị trường tiền tệ.
Nhưng các dữ liệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể đã chi khoảng 5,5 nghìn tỷ yên (35,06 tỷ USD) để hỗ trợ tiền tệ vào hồi đầu tuần. Đồng yên đã chịu áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng lên trong khi lãi suất của Nhật Bản gần bằng 0.
Đồng euro chốt phiên giao dịch không đổi, ở mức 1,0711 USD. Đồng bảng Anh cũng ít thay đổi ở mức 1,2525 USD.
Tỷ giá USD hôm nay, 2-5-2024: Đồng USD giảm về mốc 105 sau cuộc họp Fed. Ảnh: Reuters |
Tỷ giá USD hôm nay trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 2-5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên, hiện ở mức 24.246 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.