Ukraine: Bãi mìn lớn nhất thế giới, thách thức và triển vọng

06/01/2024 - 18:50

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí cho việc rà phá bom mìn ở Ukraine là gần 38 tỷ USD. Thách thức lớn như vậy có nghĩa là Ukraine không thể tự mình giải quyết được vấn đề. Do đó, Kiev đã tăng cường tìm kiếm thiết bị, nhân sự và hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.

Binh lính Ukraine đang rà soát mìn ở ngoại ô Izyum. Ảnh: DW

Nhà phân tích Krzysztof Nieczypor tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) mới đây dẫn số liệu của chính quyền Ukraine cho biết, khoảng 174.000 km2, chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ Ukraine có khả năng cần phải rà phá bom mìn. Mặc dù ước tính này là quá cao, nhưng mối đe dọa từ bom mìn và vật liệu chưa nổ đã ảnh hưởng đến Ukraine, đặc biệt là ở phía Đông và phía Nam.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Nga (2/2023), cho đến nay đã có hơn 260 trường hợp tử vong, khoảng 500 người bị thương do bom mìn và các chất nổ khác ở Ukraine. Chính quyền nước này cho biết gần 6 triệu người Ukraine sống ở các vùng lãnh thổ có nguy cơ xảy ra tai nạn như vậy.

Theo ước tính của WB, tổng chi phí cho việc rà phá bom mìn ở Ukraine là gần 38 tỷ USD. Thách thức lớn như vậy có nghĩa là Ukraine không thể tự mình giải quyết được vấn đề. Do đó, Kiev đã tăng cường tìm kiếm thiết bị, nhân sự và hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, hai bên đã rải nhiều loại mìn trên quy mô lớn (chống bộ binh, chống tăng và các phương tiện khác. Ngoài mìn, vấn đề khác là các loại vật liệu nổ và vật liệu chưa nổ, trong đó có nhiều loại đạn pháo và tên lửa vương vãi nhưng bị “câm” (chưa được kích hoạt). Kể từ khi bắt đầu xung đột, cả hai bên đã bắn từ vài đến vài chục nghìn quả đạn pháo mỗi ngày với cường độ khác nhau.

Theo ước tính của Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, thậm chí có khoảng 20% ​​trong số đó sẽ không trúng mục tiêu và không phát nổ, điều này gây ra mối đe dọa lâu dài cho người dân. Đặc biệt, cả Nga và Ukraine đều sử dụng bom chùm vốn nguy hiểm hơn nhiều, với ước ước tính tỷ lệ chưa nổ của loại vũ khí này có thể lên tới 40%. Các vùng lãnh thổ tập trung nhiều mìn và vật liệu chưa nổ nhất vẫn là khu vực giao tranh ác liệt diễn ra dọc theo khoảng 1.000 km tiền tuyến.

Mìn sát thương thường xuyên được sử dụng ở Ukraine ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Trong các cuộc chiến ở Donbas kể từ năm 2014, khoảng 16.000 quả bom, mìn chưa nổ được phát hiện tại các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine. Phái đoàn Liên hợp quốc tại Ukraine báo cáo vào năm 2021 rằng phần phía Đông của Ukraine là khu vực lớn thứ năm trên thế giới về số nạn nhân do bom mìn và vật liệu chưa nổ.

Một rô bốt chuyên dụng xử lý quả đạn chưa nổ. Ảnh: DW

Thách thức với Ukraine

Do bom, mìn chưa nổ, Ukraine đang gặp khó khăn lớn trong sử dụng đất nông nghiệp. Trước xung đột, Ukraine có khoảng 28 triệu ha đất canh tác ở miền Đông, nhưng do hậu quả của giao tranh diễn ra chỉ riêng vào năm 2022, số diện tích này đã thu hẹp còn 23,4 triệu ha. Hiện nay, thiệt hại mà nông dân Ukraine phải chịu do pháo kích và bom, mìn được WB ước tính là 31,5 tỷ USD. Theo dữ liệu từ chính quyền Ukraine, các khu vực nông nghiệp “ô nhiễm” nhất về bom, mìn nằm ở các vùng Kherson, Mykolaiv và Kharkiv.

Trên biển, theo dữ liệu của Ukraine, khi bắt đầu cuộc xung đột vào năm 2022, các lực lượng Nga đã đặt 450 quả thủy lôi xung quanh vùng lãnh hải của Ukraine ở Biển Đen. Ngược lại, lực lượng vũ trang Ukraine đã rải mìn ở bờ biển gần Odessa để ngăn chặn quân Nga đổ bộ. Đồng thời, số lượng mìn, vật liệu chưa nổ trôi dạt do vụ vỡ đập ở Nowa Kachovka vẫn chưa được xác định.

Với Ukraine, trở ngại chính cho việc rà phá bom mìn là thiếu trang thiết bị chuyên dụng và nhân lực cần thiết để thực hiện công việc này. Hiện có 3.000 người và gần 20 công ty (bao gồm các tổ chức quốc tế như HALO Trust của Anh-Mỹ, FSD của Thụy Sĩ, DRC của Đan Mạch, NPA của Na Uy) đang tiến hành các hoạt động rà phá bom, mìn ở Ukraine. Ukraine cũng có gần 20 máy rà phá bom mìn nhưng nhu cầu hiện tại ước tính cần ít nhất là 70 phương tiện như vậy.

Theo tính toán của Diễn đàn An ninh toàn cầu Globsec (Slovakia), thiết bị và nguồn nhân lực hiện tại sẽ cho phép rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ ở phạm vị 4.700 km2 trong vòng 20 năm. Phó Thủ tướng Yulia Svyrydenko Svyrydenko ước tính thời gian cần thiết để rà phá toàn bộ khu vực phía Đông của nước này là 70 năm.

Chi phí để thực hiện việc rà, phá cũng là một trở ngại đáng kể. Các chuyên gia ước tính rằng việc rà phá sạch hoàn toàn mìn và vật liệu chưa nổ sẽ tiêu tốn gần 30.000 USD/1 ha.

Với Ukraine, trở ngại chính cho việc rà phá bom mìn là thiếu trang thiết bị chuyên dụng và nhân lực. Ảnh:Pravda

Rà phá bom mìn trên lãnh thổ Ukraine rõ ràng là thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Để có được sự hỗ trợ cần thiết, Kiev đã hướng tới phương Tây và tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về rà phá bom mìn - Diễn đàn Demine Ukraine (ngày 27/9/2023 tại Zagreb) - Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho việc rà phá bom mìn ở Ukraine.

Tiến hành rà phá bom mìn hiệu quả trên lãnh thổ Ukraine là điều kiện cần thiết để bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. Các mối đe dọa do chất nổ nguy hiểm còn sót lại làm tăng đáng kể chi phí bảo hiểm rủi ro đầu tư, do đó làm nản lòng các bên quan tâm tiềm năng tham gia vào quá trình này.

Để thay đổi tình trạng này, Phó Thủ tướng Svyrydenko tuyên bố bắt đầu hợp tác chung với EU về chính sách toàn diện để rà phá bom mìn trên các vùng lãnh thổ mà Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát từ Nga. Là một phần của sự hợp tác này, nhiệm vụ chính sẽ là thu hút các chuyên gia quốc tế trong các hoạt động đó, mua thiết bị chuyên dụng.. Hỗ trợ quốc tế dành cho Ukraine mang lại hy vọng rằng nước này sẽ có thể đương đầu với thách thức trong lĩnh vực rà phá bom, mìn sau khi xung đột kết thúc.

Theo TTXVN