Vãn cảnh tháng Giêng

04/02/2020 - 03:44

 - Với nhiều người, viếng chùa lễ Phật rồi vãn cảnh đầu năm là chuyến du xuân thú vị và ý nghĩa. Ngay từ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, các khu - điểm du lịch đã tấp nập đón khách vãn cảnh, du xuân. Tháng Giêng mở đầu cho 12 tháng trong năm, rằm tháng Giêng còn được gọi là “rằm Thượng ngươn”, nên du khách thập phương xuất hành ngay từ đầu năm để cầu mong nhiều điều tốt đẹp...

Có mặt tại TP. Long Xuyên từ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, anh Hùng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) hồ hởi khoe: “Năm nào mình cũng đưa gia đình đi du xuân để đón chào năm mới. Năm rồi là hành trình du xuân miền Trung, năm nay mình chọn điểm đến là An Giang vì nghe có nhiều khu du lịch mới rất hấp dẫn. Sau khi đến Long Xuyên, mình đi vào Thoại Sơn, vòng qua Tri Tôn, Tịnh Biên rồi về Châu Đốc nghỉ đêm ở đây”.

Câu cá sấu giải trí thu hút rất đông du khách

Sau khi đi Vía Bà Chúa Xứ ở TP. Châu Đốc, hầu hết du khách chọn điểm đến hành hương ở núi Cấm để tiếp tục hành trình. Với chiều cao khoảng 716m so với mặt nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, thảm thực vật phong phú, 4 mùa cây trái xanh tươi, cảnh sắc tuyệt đẹp, núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) được du khách thập phương chọn làm điểm đến khi du lịch, vãn cảnh ở An Giang để cảm nhận “Đà Lạt ở miền Tây”. Khách thập phương đến đây còn được viếng những nơi cổ kính, linh thiêng như: chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc, bảo tháp xá lợi…

Đến núi Cấm, du khách còn được thăm viếng nhiều đền, chùa, miếu, am, động, như: chùa Phật nhỏ, vồ Thiên Tuế, điện Bồ Hong, sân Tiên… gắn liền với nhiều truyền thuyết huyền bí, hấp dẫn. Những trải nghiệm thú vị tại đây, bao gồm: trải nghiệm chinh phục đỉnh núi Cấm từ một tầm cao mới hay đi cáp treo, vui chơi tại khu du lịch Lâm Viên, tham quan chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, suối Thanh Long…

Trên hành trình qua Tri Tôn, du khách được tham quan cung đường thơ mộng với cánh đồng vùng cao, hàng thốt nốt ven đường và thảm thực vật xanh mướt trên dãy Thất Sơn hùng vĩ. Thốt nốt là đặc sản ở vùng Bảy Núi, sẽ là thiếu sót nếu về An Giang mà du khách chưa thưởng thức qua món đặc sản này. Đặc biệt là được thăm đồi Tức Dụp, núi Cô Tô… và được nghe nhiều truyền thuyết thần tiên, huyền thoại. Vòng về Thoại Sơn, nhiều điểm du lịch nổi tiếng để du khách hành hương, khám phá như: đỉnh núi Ba Thê, núi Sập, khu di chỉ văn hóa Óc Eo…

Tin vui đến với ngành du lịch tỉnh là ngay từ đầu năm đã đón lượng du khách đến tham quan, vãn cảnh các khu - điểm du lịch trong tỉnh tăng so cùng kỳ năm trước. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ ngày 22 đến 29-1 (từ 28 đến mùng 5 Tết), có khoảng 824.180 lượt khách đến An Giang tham quan, du lịch (tăng 15,4% so dịp Tết năm 2019).

Lượng khách đến An Giang chủ yếu là du khách nội địa, hành hương, cúng viếng đầu năm. Trong đó, Khu du lịch núi Sam đón trên 450.000 lượt khách, Khu du lịch núi Cấm đón trên 170.000 lượt khách… Doanh thu từ phí vào cổng, dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú, lữ hành ước đạt khoảng 36 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, lượng khách du lịch đến với núi Sam năm nay tăng nhiều so cùng kỳ do phát triển nhiều tour du lịch dạng trải nghiệm kết hợp tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Phấn khởi hơn, mặc dù năm nay lượng du khách tăng nhưng ở các khu - điểm du lịch không xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe hoặc quá tải ở các điểm lưu trú. Các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh cũng được thông suốt, không xảy ra kẹt xe, do được phân luồng đảm bảo và hầu hết các phương tiện di chuyển qua đường cầu Vàm Cống.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích