Mưu sinh trên cánh đồng Láng Linh xưa
Những ngày này, con nước lũ đã phủ trắng cánh đồng xả lũ của các xã “vùng trong” của huyện Châu Phú. Đi qua những cơn gió mát rượi và tiếng sóng vỗ ì oạp dưới chân cầu vượt nối đôi bờ kênh Xáng Vịnh Tre, tôi hỏi thăm người dân địa phương về cánh đồng Láng Linh. Trước câu hỏi của tôi, ông Nguyễn Văn Hay (người dân xã Thạnh Mỹ Tây) cười xòa: “Chú đang đứng ở đồng Láng Linh chứ còn ở đâu nữa. Thiệt ra, đồng Láng Linh hồi xưa tính luôn bên kia kênh Xáng Vịnh Tre, tức là vùng xung quanh Bửu Hương tự, nơi thờ phụng Đức Quản cơ Trần Văn Thành bây giờ, kéo lên tới Ô Long Vĩ. Do người ta hình thành vùng sản xuất lúa vụ 3 nên khép kín đê bao một vài chỗ, phía bên này xả lũ nên còn chút “vết tích” của Láng Linh xưa”.
Theo con mắt của lão nông đã ngoài 70 tuổi này, chúng tôi nhìn ra đồng nước mênh mông với những cơn sóng vỗ nhẹ lăn tăn. Địa danh huyền thoại Láng Linh dường như vẫn còn in dấu trong không gian thoáng đãng, giữa mặt nước lẫn màu phù sa với mấy nhánh rong đuôi chồn phiêu bạt. Hơi nước hắt vào mặt tôi tạo cảm giác mát mẻ dưới nắng trưa gay gắt. Tôi đến Khu di tích lịch sử đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành để tìm hiểu về địa danh Láng Linh thì được ông Nguyễn Văn Thanh (Ban Quản lý Khu di tích) giải thích: “Có nhiều cách lý giải nhưng tựu chung lại, địa danh Láng Linh hàm ý đây là một cánh đồng hoang sơ, ngập sâu trong mùa lũ. Có thể hiểu Láng Linh là linh láng (lênh láng) theo cách phát âm người miền Tây. Ngoài ra, chữ Linh ở đây cũng có thể hiểu là linh thiêng bởi Đức Cố quản cùng vợ về lập trại ruộng, cùng dân khai phá vùng đất hoang sơ theo ý chỉ của Phật Thầy Tây An cho thấy đây là vùng đất lành chim đậu và có linh khí”.
Theo học giả Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Đức Cố quản hay là cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, Láng Linh xưa là cánh đồng bao la bát ngát, không kênh rạch thông vào, đế sậy mọc tràn lan, nhiều chỗ sình lầy nước đọng mênh mông và có lắm thú to, rắn độc. Do đó, Láng Linh thực sự là nơi hiểm địa để Quản cơ Trần Văn Thành có thể tiến, thoái, công, thủ một cách vững vàng. Vì vậy, sau khi Pháp chiếm thành An Giang năm 1867, Quản cơ Trần Văn Thành đã đến đây nạp binh, tích trữ lương thực, mở mang đồn điền, sắm sửa binh khí xây dựng đội binh Gia Nghị có thể xem là hùng hậu nhất so với các lực lượng kháng chiến ở Nam Kỳ lục tỉnh thời đó. Đến nay, trên những bức tranh trong Bửu Hương tự vẫn còn câu thơ nói lên khí tiết của người anh hùng dân tộc: “Thà thua xuống láng xuống bưng/Kéo ra đầu giặc lỗi chưn quân thần”.
Ngày nay, Láng Linh đã thay da đổi thịt với những mùa lúa bội thu, những con đường láng nhựa thẳng tắp. Cuộc sống đã phát triển theo thời gian, các xã “vùng trong” Châu Phú đã dần hoàn thiện các tiêu chí điện, đường, trường, trạm để lớp con cháu Đức Cố quản hôm nay có cuộc sống ấm no. Đồng Láng Linh còn đó, dấu tích vị anh hùng dân tộc còn đây và mỗi khi lũ về, người ta lại nao nao nhớ đến “thuở mang gươm đi mở cõi” và chống giặc ngoại xâm của nghĩa binh Gia Nghị.
Sau hàng trăm năm, giữa cánh đồng Láng Linh xưa anh Nguyễn Văn Điền vẫn miệt mài trên chiếc xuồng con đổ dớn trong mùa nước nổi. Với anh, cánh đồng xả lũ Thạnh Mỹ Tây - Đào Hữu Cảnh là chốn mưu sinh hàng chục năm nay. Có lẽ, ngư dân này không biết chi tiết cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa cũng như lịch sử vùng đất này nhưng anh vẫn một lòng biết ơn Đức Cố quản, người đã lưu dấu chân khai hoang trên cánh đồng Láng Linh để hôm nay anh có cuộc sống bình yên. Anh Điền tâm sự: “Tui sống nhờ “nghề con cá” trong mùa lũ nên năm nào nước tràn đồng cũng bơi xuồng rong ruổi khắp Láng Linh. Đức Cố quản là anh hùng chống Pháp và có công khai hoang vùng đất này. Năm nay nước lớn, tui cầu mong Đức Cố quản phù hộ cho mình trúng mùa cá để mua thêm quần áo, sách vở cho mấy đứa con đi học”.
Tạm biệt người ngư dân chất phác, tôi trở về khi ánh nắng chiều lấp loáng trên mặt nước đồng xa. Một góc cánh đồng Láng Linh xưa vẫn còn mang cái vẻ tịch lặng với mấy đám lục bình trôi lang thang giữa sóng nước bao la. Rồi đây, “vùng trong” Châu Phú sẽ còn đổi thay nhưng địa danh huyền thoại Láng Linh vẫn sáng mãi trang sử về thời khai hoang, lập ấp và công cuộc kháng Pháp của Quản cơ Trần Văn Thành cùng đội nghĩa binh Gia Nghị năm nào.
THANH TIẾN