Về quê… du xuân

14/02/2018 - 01:07

 - Khái niệm “về quê ăn Tết” của những người đang học tập, làm việc xa nhà không chỉ là đoàn tụ, sum họp bên người thân, bạn bè. Nhiều người xem việc sống xa quê chỉ như một chuyến đi dài, dù đang ở đâu, thành đạt hay vẫn còn vất vả, ai cũng cần một nơi để trở về vun đắp yêu thương.

Đi xa để trở về…

Nhận cuộc gọi từ dưới quê nhắc nhở “Tết sát vách rồi, thu xếp công việc về nhà thôi tụi bây!”, những người bạn vội vàng “tám” với nhau: “10 ngày nữa”, “6 ngày nữa sẽ về”, “tiễn ông Táo về trời là tui cũng về quê ăn Tết luôn”… khiến từng ngày đếm ngược về nhà càng thêm nôn nao. Bạn Nguyễn Ngọc Duyên (TP. Châu Đốc) đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Xa nhà, em nhớ nhiều thứ lắm, em lục lọi tất cả trang mạng viết về An Giang để xem đỡ buồn. Hình ảnh nồi kho quẹt, mâm cơm đầm ấm, người nông dân giăng câu, bắt cá, đồng ruộng xanh tươi… ngày thường quen thuộc vậy mà giờ nhìn lại thấy đẹp vô cùng”. Còn bạn Ngô Thanh Tú, học ngành du lịch năm thứ 3 cho biết, năm nào từ mùng 4 cũng rủ bạn học về quê chơi, vừa giới thiệu cảnh đẹp, vừa rèn kỹ năng “hướng dẫn viên”. Không riêng Tú, nhiều bạn trẻ cho biết, Tết là cơ hội để khám phá quê hương như một vùng đất mới. Những điểm du lịch trong tỉnh ngày càng nhiều và hấp dẫn, phong cảnh hữu tình, yên bình của vùng quê rất hợp với trào lưu “sống ảo” của các bạn trẻ để họp mặt, chụp ảnh. “Có rất nhiều nơi em chưa từng đặt chân đến, càng không biết rằng quê mình nhiều chỗ đẹp. Du xuân không cần đi đâu xa, du xuân ngay ở quê nhà chính là niềm vui để em gần gũi những người dân chân chất, hồn hậu” - Huỳnh Cẩm Tú chia sẻ.

Chị Nguyễn Kim Thoa (Châu Phú) lập gia đình và sinh sống ở Đài Loan tâm sự: “Do điều kiện ở xa nên 2 năm mới về quê. Một lần về là thấy quê mình đổi mới, đẹp hơn, mọi người sống tốt hơn, tình yêu quê hương được bồi đắp thêm đậm đà”. Ngày xuân của chị là làm bất cứ việc gì, đi đâu cũng đều làm chung với cả nhà: hành hương cầu mong một năm mới may mắn, thăm họ hàng chúc nhau những điều tốt đẹp, lưu giữ thật nhiều những hình ảnh về con người, phong cảnh tươi đẹp làm kỷ niệm. Nhờ không khí sum vầy quây quần bên nhau, người ta cảm thấy những ngày công việc bận rộn, cảnh nhà tất bật đón Tết là những ngày vui nhất, tình cảm gia đình càng thêm gắn kết. Yên bề gia thất và có nghề nghiệp ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Trường Hải vẫn chọn vui Tết ở quê nhà. Năm nào, gia đình anh cũng họp mặt đông đủ và rủ nhau đi đến các điểm chùa, vườn sinh thái. “Hồi nhỏ lo đi học nên chỉ lẩn quẩn trong xóm, lớn lên lại lo làm việc, ít khi có thời gian để nhìn ngắm quê mình kỹ hơn. Vài ngày Tết ngắn ngủi, không thể nào đến hết những nơi yêu thích theo dự định. Nhưng đó là cái cớ để có động lực làm việc và trở về nhiều lần hơn”.

Nghĩa tình thêm trọn vẹn

Là người con của huyện Phú Tân, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh 17 năm nay, vợ chồng Huỳnh Trọng Tín và Tô Phước Duyên (Doanh nghiệp tư nhân Kim hoàn Sài Gòn Kim Tín) mỗi năm đều về quê nhân dịp Tết, 2 kỳ lễ đạo của Phật giáo Hòa Hảo, đám giỗ, ngày tựu trường và Tết Trung thu. Cứ được về quê là anh cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vì sự đổi thay của quê hương. Năm hết, Tết đến được giao lưu bên bà con dòng họ và chính quyền địa phương, lắng nghe những câu chuyện, cảm nhận sự mới mẻ và hãnh diện về sự chuyển mình ở quê nhà... hội tụ nên một xúc cảm đặc biệt. “Tết quê nhà luôn đầm ấm vì có ông bà, cha mẹ, có tình làng, nghĩa xóm, là ngày hạnh phúc nhất trong 1 năm. Chính vì lẽ ấy, dù có tha phương vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi cũng không bao giờ quên nơi mà chúng tôi được sinh ra và lớn lên”. Không chỉ yêu quê hương bằng trái tim, nhiều năm qua, anh Tín còn là cá nhân tích cực đóng góp cất nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, xây cầu nông thôn và nhiều hoạt động an sinh xã hội trong tỉnh. Tết ở quê thêm ý nghĩa đối với gia đình anh khi mang về những suất học bổng cho học sinh nghèo, những giỏ quà, bánh san sẻ với người dân khó khăn.

Giống như những người con xa xứ khác, nhiều năm nay, chị Nguyễn Mỹ Dung (TP. Long Xuyên) tích cực vận động bạn bè, Mạnh Thường Quân tham gia các đợt thiện nguyện hướng về người nghèo mỗi dịp cuối năm như một cách đền đáp lại cho quê hương. Chị Dung trần tình: “Đi nhiều nơi, gặp nhiều người mới thấy yêu quê nhiều hơn, bản thân phải có trách nhiệm với quê hương nhiều hơn. Ở đâu cũng vậy, vẫn còn những mảnh đời khó khăn. Một người con nhìn ra được sự đổi mới của quê mình thì cũng phải thấy được những nơi còn thiệt thòi, những người kém may mắn để tiếp sức cho bà con đỡ cơ cực”. Trong điều kiện của mình, chị Dung thường thông qua người nhà mua thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt tặng cho hộ khó khăn vào thời điểm giáp Tết. Chị còn tích cực làm cầu nối giới thiệu những người hảo tâm thường xuyên ủng hộ hoặc trực tiếp về tỉnh làm từ thiện, giúp người nghèo vơi bớt khó khăn.

Về quê ăn Tết trở thành một nét văn hóa của rất nhiều người. Du xuân đồng nghĩa với khám phá, trải nghiệm, chinh phục, chung vui bên nhau. Nhưng cũng có những người chọn du xuân là trở về sau chuyến đi xa. Đó là khoảnh khắc nhận ra bên cạnh những niềm vui thì mái tóc cha mẹ đã bạc hơn, gương mặt điểm thêm nếp nhăn của thời gian, mong muốn ở bên gia đình nhiều hơn khi còn có thể. Đó là vui cùng niềm vui với người dân quê nhà, cảm nhận cuộc sống ý nghĩa hơn sau mỗi hành động đẹp.

Mỹ Hạnh