Về sông ăn tôm

19/10/2023 - 20:27

 - Mờ sáng, những chợ “chồm hổm” được ngư dân mang tôm đến bán rôm rả. Tôm nhảy lách tách, văng nước phù sa, đánh thức chợ quê mùa nước nổi.

Tôm lóng khá nhiều

Cơn mưa rúc rắc bất chợt ùa qua mặt sông cũng là thời điểm con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về khá mạnh. Thời điểm này, nước lũ ngập các cánh đồng biên giới. Ven sông, bãi cồn, dòng lũ dâng ngập trắng xóa, những hàng lau, bãi sậy là chỗ trú ngụ lý tưởng của loài giáp xác này. Nắm bắt đặc tính của loài tôm, ngư dân mang ngư cụ ra sông khai thác. Dỡ chiếc lờ đặt ven sông, Năm Hạnh (47 tuổi, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vui mừng khấp khởi vì lượng tôm sông dính kha khá.

Mùa lũ này, Năm Hạnh mạnh dạn đầu tư 100 cái lờ để khai thác tôm. Khuấy chiếc dầm khua nước chanh chách, Năm Hạnh bày tỏ: “Từ tháng 7 (âm lịch), tôi đã mang lờ ra sông đặt. Lúc đó, trên sông con nước đã chuyển màu đỏ ngầu phù sa. Thời điểm này, tôm sông xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là con tôm lóng (tôm bằng ngón tay cái) chạy dính lọp khá mạnh”.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân, sở dĩ con tôm lóng xuất hiện nhiều do đầu mùa lũ chúng sinh sản mạnh ở đầu nguồn, rồi trôi theo dòng nước ăn phù du lớn dần trong tự nhiên. Tuy nhiên, nước lũ năm nay nhỏ nên chúng không kịp bơi lên đồng sinh sống mà cứ quanh quẩn, tập trung trong môi trường nước trên sông. Do đó, con tôm còn nhỏ đã bị khai thác từ đầu mùa lũ.

Hơn 20 năm trong nghề đặt lờ tôm trên sông Hậu, Năm Hạnh nói rằng, lũ lên chậm cũng có cái lợi là bắt được nhiều tôm vào đầu mùa lũ. Tuy nhiên, về cuối mùa lũ thì sản lượng tôm sẽ ít dần.

“Mỗi buổi sáng, tôi bơi xuồng quanh các bãi bồi đặt lờ dính nhiều tôm lóng. Với 100 cái lờ, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 2kg tôm lóng, bán với giá 150.000 đồng/kg. Nếu hôm nào trúng mánh, tôi bắt được 1kg tôm càng xanh (loại I), bán với giá 250.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, tôi kiếm ngót nghét 300.000 đồng/ngày” - Năm Hạnh hồ hởi khoe.

Ngư dân có thu nhập

Màn đêm buông dài trên mặt sông, những chiếc ghe cào của ngư phủ nổ máy phành phạch khai thác cá, tôm. Mùa lũ năm nay, Ba Hậu đầu tư sắm chiếc ghe cào lưới thái với công suất lớn. Sau một đêm thức trắng trên sông, Ba Hậu và những bạn cào đã thu hoạch được nhiều “chiến lợi phẩm”.

Khi mặt trời vừa ửng nắng ban mai, họ tranh thủ dong ghe cặp bến chợ để mang tôm cân cho bạn hàng. “Nay tôm lóng giá có tăng chút nào không? Tôm càng xanh giá sao? Cá sửu, cá kết như thế nào?”, những ngư phủ kỳ kèo, trao đổi mua bán với bạn hàng làm huyên náo buổi chợ sáng.

Từ lâu, chợ Chắc Cà Đao (huyện Châu Thành) nổi tiếng với nhiều loại thủy sản nước ngọt được dân “vạn cào” mang lên bán. Trong đó, con tôm sông được bày bán khá phong phú. Cái chợ này nhóm họp ngày 2 buổi, lúc nào cũng có mặt hàng tôm sông đủ loại lớn, nhỏ.

Chị Thu Vân (tiểu thương chợ Chắc Cà Đao) cho biết, thời điểm này, số lượng tôm lóng khá nhiều. “Sáng sớm, mấy anh ghe cào mang tôm lên cân. Sau đó, tôi rọng sống để bán cho bà con. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua 5kg tôm đủ loại. Dạo này, tôm càng xanh loại I, II xuất hiện nhiều. Tôm sông, thịt dai ngon nên bán rất chạy” - chị Thu Vân cười.      

Neo chiếc ghe cào cặp bến chợ Long Xuyên, Ba Cường tát chiếc móng rột rạt dưới khoang để bắt sạch những con tôm cứng đầu còn sót lại. Giơ chiếc vợt lên cho chúng tôi xem, Ba Cường cười khà: “Hôm nay, tôi thu hoạch khoảng 3kg tôm các loại. Còn cá kết, cá sửu, cá cóc, cá chốt độ khoảng 4kg. Nhờ lũ về mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định từ nghề cào cá, tôm”.

Chị Tiền (một bạn hàng chuyên thu mua tôm sông) cho hay, đầu mùa lũ xuất hiện nhiều tôm loại 20 - 30 con/kg. Bây giờ, tôm phải rọng sống thì người ddi chợ mới chịu mua vì tươi, ngon. Tôm loại nhỏ có những ngày ngư dân bắt dính nhiều phải năn nỉ người ta mua.

“Gần đây, tôm càng xanh loại I (200gr/con) dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/kg, loại II (dưới 150gr/con) 350.000 đồng/kg xuất hiện khá nhiều, được nhà hàng “săn” mua để chế biến cho thực khách thưởng thức” - chị Tiền xởi lởi.

Nhớ lại những năm lũ lớn, lượng tôm thiên nhiên sinh sản mạnh. Hồi đó, các chủ vựa thu mua mỗi ngày hàng tấn tôm các loại. Về sau, các cánh đồng được đê bao khép kín sản xuất lúa vụ 3, sản lượng tôm thiên nhiên giảm dần qua bao mùa lũ. Anh Trần Văn Quới (chuyên đặt đú trên nhánh sông Châu Đốc) bày tỏ: “Dạo trước, gia đình tôi đặt dớn ven sông dính tôm nhiều lắm. Mỗi ngày, tôi thu hoạch 4 - 5kg là chuyện bình thường”.

Còn ông Phú, chủ vựa tôm sông ở làng bè Châu Đốc nhớ lại, hơn 20 năm trước, ông chuyên thu mua tôm sông rọng sống bán tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đầu mùa lũ tôm rất nhiều. Đến cuối mùa lũ cho tới Tết Nguyên đán, ông Phú vẫn còn thu mua tôm sông để bán chợ. “Đầu mùa lũ thì thu mua tôm đặt lờ. Lũ rút, nguồn tôm dỡ chà, tôm đặt đáy nhiều vô kể. Mỗi ngày, tôi thu mua trên 1 tấn tôm, rọng sống bán tại chợ Châu Đốc và chuyển lên chợ TP. Hồ Chí Minh cân cho tiểu thương.

Từ lâu, loài tôm thiên nhiên đã trở thành món đặc sản miền sông nước Cửu Long. Mỗi khi lũ về, những người con xa xứ luôn hoài niệm con tôm sông được nướng trên bếp than hồng thơm ngon, béo ngậy...

LƯU MỸ