Về sông Hương, nghe câu chuyện tình buồn

22/11/2023 - 06:56

 - Khi cuộc tình tan vỡ, cố nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương chôn nỗi buồn trong “Nửa hồn thương đau”, còn nhạc sĩ Thanh Bình rút tâm can của mình trong ca khúc “Tình lỡ” để đời. Với “thầy giáo” Thông Đạt, nhạc phẩm “Ai về sông Tương” mang theo câu chuyện tình buồn.

Nhạc sĩ Thông Đạt tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924, tại làng Bác Vọng Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong một gia đình trung lưu ở Thành Nội - Huế, có truyền thống về âm nhạc. Ngay từ nhỏ, ông học nhạc, chơi mandoline rồi thông thạo guitar.

Lớn lên, ông dạy nhạc ở quê nhà, sau đó thi tú tài ở Sài Gòn, đậu cử nhân và học tại đây. Trúng tuyển cuộc thi Anh văn, ông học âm nhạc ở Hawaii và Bloomington (Mỹ). Do tốt nghiệp loại xuất sắc và được cấp học bổng, ông tiếp tục học cao học âm nhạc. Khi hoàn tất công việc, ông về nước và làm Giám đốc quốc gia âm nhạc Huế. Dù nổi tiếng và sáng tác trên 50 nhạc phẩm, nhưng người đời nhớ nhiều nhất ca khúc “Ai về sông Tương”, nghe ông kể tình sử bài hát.

Theo tác giả, thời trai trẻ ông yêu cô gái ở Kim Long xinh đẹp, như nhà vua từng nói: “Kim Long có gái mỹ miều - Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”. Mối tình tan vỡ vì gia đình cô gái không đồng ý với nghiệp xướng ca của ông. Thế là 2 người chia tay và cô gái đi lấy chồng. Rồi một hôm, ông vào rạp chiếu phim Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để xem phim “Bé nhà trời”. Vừa ngồi, ở hàng ghế phía trên xuất hiện một cô gái tóc dài.

Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc mùi hoa ngâu của thiếu nữ làm ông sống lại hình ảnh của người tình Kim Long. Bị xúc động đến nỗi không thể ngồi lại lâu để xem phim nên ông vội đi ra khỏi rạp chiếu. Ông chạy xe đạp dọc bờ sông Hương, vô cửa Thượng Tứ rồi về nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc, dòng sông Hương hiện ra dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư của Trung Hoa: “Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Nhớ nhau không thấy mặt/ Cùng uống nước sông Tương”.

Nhạc sĩ Thông Đạt và bìa nhạc phẩm “Ai về sông Tương”

Vừa vào nhà, với sự chấn động dị thường, cùng lòng háo hức nghệ thuật và hoài niệm trỗi dậy trong lòng, ông viết “Ai về sông Tương” chỉ trong 15 phút, ký tên Thông Đạt. “Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người duyên dáng tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương/ Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương/ Tâm hồn mơ bóng em luôn/ Mong vài lời em ngập hương...”.

Ông chép bài hát gởi Đài Phát thanh Pháp Á. Ngay sau đó, với tiếng hát ăn khách của nhạc sĩ, ca sĩ Mạnh Phát (bạn thân của tác giả), bài hát vang xa như một hiện tượng và nổi tiếng. Điều đáng nói, nhiều tháng sau, cả người hát và ông Tăng Duyệt (Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa độc nhất ở Huế - bạn tác giả) in nhạc phẩm nhiều lần cũng không biết tác giả Thông Đạt là ai.

Giai đoạn năm 1949 - 1953, ông sáng tác nhiều nhạc phẩm, trong đó, nhiều bài là hùng ca, như: Đêm Mê Linh, Quân hành ca, Thúc quân, Qua đèo, Nhảy lửa... ghi tên Văn Giảng, trở thành hiện tượng âm nhạc. Khi viết về tình ca, như các bài: Tình em biển rộng sông dài, Hoa cài mái tóc, Đôi mắt huyền, Ai về sông Tương... ký tên Thông Đạt, từng được ấn hành đến hàng chục ngàn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường.

Trong đó, bài “Ai về sông Tương” là bản nhạc “top” được yêu thích nhất của Đài Phát thanh Pháp Á trong 2 năm và nhiều năm được thính giả yêu thích. Ngoài ra, nhiều bài viết về Phật giáo thường xuyên hát trong các buổi tụng niệm ở các chùa từ Huế vào đến Sài Gòn, ghi Nguyên Thông. Trong đó, bài “Mừng ngày Đản Sanh” là ca khúc chính thức cho ngày Phật đản.

Về nhạc phẩm “Ai về sông Tương” mà không là “Ai về sông Hương” cũng là một giai thoại được nhiều người đề cập. Tác giả kể, Tương Giang là con sông dài lớn ở Trung Hoa, nơi xuất hiện những cuộc tình trái ngang, được văn nghệ sĩ hóa thành những nhạc phẩm đi vào lòng người.

Còn “Ai về sông Tương” của ông, bắt nguồn từ cảm hứng 4 câu thơ tình sử của Trung Hoa trong bài “Trường tương tư”, nói về nàng Lương Ý và chàng Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng vẫn phải chia tay, mỗi người một ngả. Đối với ông, sông Tương là sông Hương và muốn cuối đời được về lại con sông này mãi mãi. Nhưng ước mong này của ông vẫn không toại nguyện, cũng giống như chuyện tình say đắm của mình phải mỗi người mỗi ngả.

Được biết, năm 1978, ông định cư ở Melbourne (bang Victoria, Úc), sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác, hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như guitar, hawaiian guitar và contrabass cho người Việt đến định cư và cho các sinh viên Úc. Gần 30 năm, ông đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả 2 thứ tiếng Việt, Anh. Ông từ trần ở Úc, hưởng thọ 89 tuổi.

NGUYÊN HẢO