Về thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn

19/08/2021 - 06:36

TRỌNG TÍN

 - Có dịp về An Giang, đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu, viếng đền thờ và tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bác Tôn - người con ưu tú của quê hương An Giang, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Bác cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác Tôn vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Hôm nay, dù Bác Tôn đã đi xa nhưng với tình cảm ấm áp, sâu nặng nghĩa tình của những người con quê hương dành cho Bác Tôn vẫn còn đó. Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu nơi Bác Tôn đã sinh ra và trưởng thành, nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung vẫn luôn được giữ gìn và chăm sóc cẩn thận.

Ngôi nhà này do ông Tôn Văn Đề, thân sinh của Bác Tôn xây dựng vào năm 1887 theo kiểu kiến trúc nhà sàn Nam bộ, nền sàn lát ván, cột gỗ tràm, mái lợp ngói với diện tích 156m2 (ngang 12m, dài 13m). Năm 1932, ngôi nhà được em trai thứ tư của Bác Tôn là ông Tôn Đức Nhung sửa chữa một số nơi hư hỏng, nhưng vẫn giữ nguyên trạng như ban đầu.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tháng 4-2021 (Ảnh: THU THẢO)

Đến nay, bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ bộ ảnh của song thân Bác Tôn; bộ ván ngựa gõ Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu; một tủ thờ và các tấm liễn đối cẩn ốc xà cừ ở gian chính của ngôi nhà; một tấm ảnh năm 18 tuổi của Bác Tôn, một tấm ảnh chụp ở chiến khu Việt Bắc lúc Bác Tôn làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt gửi về tặng gia đình, phía sau ảnh có ghi dòng chữ “Kính biếu mẹ già và mấy em, ngày 24-7-1951” bên dưới dòng là chữ ký của Bác Tôn.

Cạnh ngôi nhà về phía bên trái khoảng 10m, có 3 bụi tre gai do ông Tôn Văn Đề trồng lúc sinh thời để lại đến nay vẫn còn xanh tốt. Phía sau ngôi nhà khoảng 50m là khu mộ chí. Đây là nơi an nghỉ của song thân Bác Tôn và vợ chồng ông Tôn Đức Nhung, em trai thứ tư của Bác Tôn. Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn được bảo tồn nguyên trạng như buổi ban đầu. Năm 1984, ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Là nơi mang giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa với người con ưu tú của quê hương An Giang và là nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Tôn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng khu lưu niệm hơn 6ha ngay đối diện ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn với nhiều hạng mục, như: quảng trường, đền tưởng niệm, nhà trưng bày… lồng ghép với công viên, cây xanh, sông nước tạo nên hệ thống cảnh quan xanh mát. Bên cạnh còn có mô hình nhà “An toàn khu” nơi Bác Tôn ở và làm việc từ cuối năm 1952 đến tháng 7-1954, tại xã Trung Yên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Chiếc ca-nô mang tên “Giải phóng” mà Bác Tôn đã điều khiển, đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảng và cán bộ cách mạng về đất liền sau 15 năm bị tù đày tại Côn Đảo. Tàu Giang cảnh là phương tiện đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà ở cù lao Ông Hổ vào tháng 10-1975 và chiếc máy bay YAK-40 số 452 đã đưa Bác Tôn từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ mít-tinh mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… cùng nhiều tư liệu, hiện vật minh chứng sinh động, giới thiệu toàn bộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.

Hiện nay, khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành địa điểm thân thuộc không chỉ với tất cả người dân quê hương An Giang, mà còn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến Khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta không những được tham quan cảnh đẹp yên bình của cù lao sông nước, mà còn được ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Bác Tôn. Qua đó, chúng ta càng thêm kính trọng, biết ơn sâu sắc, quyết tâm học tập, làm theo Bác Tôn, một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

TRỌNG TÍN