Đoạn đường này không có chợ, chỉ có những sạp hàng nhỏ trước nhà dân. Họ bày bán các loại trái cây tự trồng được hoặc hái từ trên rừng. “Mùa nào thức ấy”, các sạp hàng nhỏ gọn, đơn sơ, nhưng chẳng bao giờ vắng khách.
Đặc sản bán phổ biến vẫn là các loại măng, như: Mạnh Tông, tầm vông. Tuy nhiên, so với tháng trước, số lượng còn khá ít, vì đã vào cuối mùa. Người dân ưu tiên nuôi măng thành tre trưởng thành sẽ có giá trị kinh tế cao hơn. Măng tuyển lại để bán thường là những mụt nhỏ, ngoài măng tươi còn có loại ngâm chua hoặc phơi khô.
Ngoài ra, khách có thể bắt gặp một số loại rau, trái cây lạ, đôi khi người bản địa cũng ít biết đến.
Điển hình là trái măng cụt rừng, rất ít chỗ bán, vì tùy thuộc theo mùa, người dân lên núi hái về đổi lại chút thu nhập. So với măng cụt được trồng ở đồng bằng, trái rừng kích thước rất nhỏ, chỉ bằng 1/3, vỏ mỏng, mùi rất thơm, lớp thịt bên trong không khác biệt với măng cụt ở đồng bằng.
Trái măng cụt rừng có vị chua chua ngọt ngọt, càng chín, màu sắc càng chuyển đậm sang vàng hoặc cam. Thưởng thức trái đúng độ chín muồi sẽ càng cảm nhận rõ hương thơm và vị ngọt lịm.
Bên cạnh đó, miền núi Tri Tôn cũng có trái hồng quân. Bà con không trồng số lượng lớn để làm kinh tế, mỗi nhà chỉ có 1-2 cây, có nơi mọc hoang tự nhiên. Người thưởng thức hoàn toàn yên tâm, bởi chúng là loại trái cây sạch.
Đi kèm chất lượng, giá cả các loại “đặc sản” bán ở đây cũng rất hợp túi tiền. Tùy theo số lượng khai thác và từng thời điểm thu hoạch, bà con điều chỉnh giá bán tương ứng. Họ luôn thật thà, mời khách ăn thử thoải mái, giới thiệu về những mặt hàng đang bày bán, như một “hướng dẫn viên” thực thụ để chào đón khách thập phương tìm đến.
MỸ HẠNH