Ông Nguyễn Xuân Gụ (bìa phải) - ứng viên chức danh phó chủ tịch truyền thông. VY KHÁNH
Tiểu ban nhân sự đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết: “Kết thúc thời hạn đề cử nhân sự tham gia ban chấp hành (BCH) VFF khóa 8, lần thứ 2, Tiểu ban nhân sự đã tổng hợp được tổng cộng 64 ứng cử viên được đề cử, trong đó có 46 ứng cử viên được đề cử đã nộp hồ sơ ứng cử và nhận lời tham gia tranh cử (tính đến hết ngày 16-4-2018).
1 ứng cử viên được đề cử tham gia BCH nhưng không ứng cử vì xác nhận sẽ tham gia ứng cử vào Ban kiểm tra VFF khóa 8 (Điều lệ VFF quy định ủy viên Ban kiểm tra không được là ủy viên BCH). 17 ứng cử viên được đề cử còn lại không hoàn thiện hồ sơ ứng cử hoặc xác nhận không tham gia tranh cử.
Hiện tại BTC Đại hội VFF khóa 8 đang gấp rút hoàn thiện các công tác chuẩn bị, tăng cường công tác chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Tiểu ban phục vụ Đại hội để đảm bảo Đại hội được tổ chức thành công theo kế hoạch đã đề ra”.
Trong thời gian qua, liên tục xuất hiện những rối ren trước thềm Đại hội VFF khóa 8 liên quan vấn đề nhân sự, mà chính điều lệ lỏng lẻo của VFF là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thế hệ 5X áp đảo
Theo quy định bắt buộc của điều lệ VFF, các ứng viên được giới thiệu vào chức danh chủ tịch VFF phải có hồ sơ pháp lý từ phía Bộ Tư pháp (chức danh phó chủ tịch không cần) và hiện tại cả 4 ứng viên đều cung cấp đủ cho Tiểu ban nhân sự hồ sơ pháp lý này. 4 ứng viên gồm: Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn khóa 7 Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1971); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên Nguyễn Công Khế (sinh năm 1954); Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa (sinh năm 1958); Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học TDTT TP.HCM, ủy viên ban chấp hành, trưởng Ban y học VFF khóa 7 Lê Quý Phượng.
Trong số 4 nhân vật nói trên, ông Nguyễn Công Khế được đề cử vào chức danh chủ tịch và phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ VFF nhưng ông Khế chỉ ứng cử vào chức danh chủ tịch. Đều được đề cử vào chức danh chủ tịch và phó chủ tịch chuyên môn nhưng ông Lê Quý Phượng chỉ ứng cử vào chức danh chủ tịch còn ông Trần Quốc Tuấn ứng cử cả hai chức danh này.
Từ trái sang phải: Ông Trần Anh Tú, ông Trần Quốc Tuấn, ông Nguyễn Xuân Gụ. Liệu 3 nhân vật này có tiếp tục ngồi chung tại VFF khóa 8?QUỲNH MAI
Chức danh đề cử và ứng cử phó chủ tịch chuyên môn khóa 7 còn có Ủy viên BCH VFF khóa 7, Trưởng Văn Phòng đại diện phía nam VFF Dương Vũ Lâm (sinh năm 1958); Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1958); Trưởng Ban chiến lược VFF khóa 7 Phạm Ngọc Viễn (sinh năm 1950).
Được đề cử và ứng cử chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ VFF khóa 8 có 3 gương mặt gồm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú (sinh năm 1963); Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Ca Cao Việt Nam Trần Văn Liêng (sinh năm 1968); Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Động Lực, ủy viên BCH khóa 7, chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành (sinh năm 1959).
Chia sẻ với PV, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải cho biết Bộ mong muốn ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục tham gia bộ máy lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa tới.
Đông nhất là chức danh phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông và đối ngoại khi có tới 6 nhân vật được đề cử và ứng cử: Giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC Cao Văn Chóng (sinh năm 1979); Phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 7 Nguyễn Xuân Gụ (sinh năm 1952); Tổng Biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo Lương Hoàng Hưng (sinh năm 1969); Tổng biên tập Báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1961); Chủ tịch Hội đồng Hợp tác - phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Lân Trung (sinh năm 1955); Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội, ủy viên BCH, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF khóa 7 Phan Anh Tú (sinh năm 1957).
Ngoài 16 nhân vật có tên trên đây, còn có 30 ứng viên ứng cử chức danh ủy viên BCH VFF khóa 8.
Bầu chức danh chủ chốt trước bầu ban chấp hành
Về quy trình bầu cử, cách đây chưa lâu, nguyên chủ tịch Công ty VPF Võ Quốc Thắng đã phàn nàn về chuyện đại hội VFF bầu các chức danh chủ chốt trước rồi mới bầu BCH và đề nghị đại hội VFF nên bầu đúng quy trình mà bất cứ đại hội của tổ chức xã hội và đoàn thể nào ở Việt Nam cũng làm cả mới hợp lý.
Tuy nhiên, VFF không tự nghĩ ra quy định bầu cử mà tuân thủ theo yêu cầu bắt buộc của FIFA. Ở nhiệm kỳ 6, VFF đã từng bị FIFA “tuýt còi” vì không thực hiện nguyên tắc bầu cử là bầu cấp thượng tầng trước nên đến nhiệm kỳ 7 đã phải đưa vào điều lệ quy định theo chuẩn FIFA. Năm 2014, đại hội VFF bầu chủ tịch và 4 phó chủ tịch xong mới bầu đến BCH, nghĩa là các lãnh đạo VFF đương nhiên là thành viên BCH và đại hội bầu tiếp số lượng ủy viên còn lại.
Phó Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền (trái) và Lê Công Vinh cùng được đề cử và ứng cử vào VFF với vai trò ủy viên ban chấp hành. KHẢ HÒA
Năm nay cũng tương tự như vậy, đại hội VFF khóa 8 sẽ bầu 13 ủy viên BCH sau khi bầu chủ tịch và 3 phó chủ tịch. Theo điều lệ VFF được Bộ Nội vụ phê duyệt năm 2014, sau khóa 7 năm 2014, số lượng ủy viên BCH sẽ giảm xuống từ 23 xuống còn 17 ủy viên từ năm 2018. Con số này cũng là theo khuyến cáo của FIFA, BCH mỗi Liên đoàn Bóng đá thành viên của FIFA chỉ được phép tối đa 17 người. Tổng thư ký VFF khóa 8 sẽ được BCH bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của tân chủ tịch VFF.
Đại hội sẽ bao gồm 67 đại biểu có quyền bỏ phiếu (mỗi đại biểu đại diện cho một tổ chức thành viên), phân bổ như sau: 14 CLB V-League, 10 CLB hạng Nhất, 12 CLB hạng Nhì, 7 đại biểu của CLB bóng đá nữ, 4 đại biểu của 4 CLB futsal, 19 Liên đoàn Bóng đá và Ban Tổ chức giải Bóng đá chuyên nghiệp được cử 1 đại biểu.
Theo NHẬT DUY (Thanh Niên)