Lợi thế đặc biệt
So về khoảng cách, điểm bất lợi của An Giang là cách khá xa so TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của miền Nam và cả nước. Tuy nhiên, tỉnh có lợi thế đặc biệt khi có đường biên giới dài tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia đường bộ và đường thủy, là cửa ngõ của trục đông - tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, càng mở ra nhiều cơ hội và thị trường, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực trong vùng.
Lợi thế du lịch của An Giang được phát huy
UBND tỉnh cho biết, An Giang được xác định là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực ĐBSCL, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách để thúc đẩy cho vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Trong đó, hạ tầng giao thông được đặc biệt quan tâm. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh khác.
Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều công trình quan trọng được triển khai đầu tư, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; Tỉnh lộ 945 kết nối Quốc lộ 91 (tỉnh An Giang) với tuyến đường ven biển (tỉnh Kiên Giang); cầu Châu Đốc kết hợp tuyến N1, nối An Giang với Đồng Tháp; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Cùng với đó, cảng Mỹ Thới cùng tuyến đường thủy được nâng cấp, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa đường nội thủy và kết nối ra đường biển. Cùng với giao thông thủy, bộ, hạ tầng du lịch (DL), khu vui chơi, giải trí tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành DL và dịch vụ của An Giang.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thu hút 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 22.860 tỷ đồng, tăng 79,5% về vốn so giai đoạn 2011-2015. Qua đó, bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm tới, khu vực nông - lâm - thủy sản có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của An Giang ngày càng được mở rộng. Vói tinh thần cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp (DN) cùng nhiều chính sách ưu đãi, An Giang sẽ tiếp tục huy động tốt nguồn lực xã hội đầu tư thêm nhiều dự án lớn.
Phát huy tiềm năng
Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến tăng trưởng ổn định, có nhiều DN đầu tư chế biến lúa gạo và thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công nghệ mới, quy mô công suất lớn. Các khu, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu triển khai dự án, mở rộng sản xuất của DN, thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đến nay, cả Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) và Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) đều cơ bản được lấp đầy (riêng Khu công nghiệp Bình Hòa đang được mở rộng để đáp ứng yêu cầu quỹ đất cho nhà đầu tư). An Giang quy hoạch 32 cụm công nghiệp với diện tích 1.355ha, thu hút nhiều DN vào đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo bước đầu được khai thác, góp phần đa dạng hóa ngành công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy điện mặt trời đã được đưa vào vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia; tổng công suất thiết kế khoảng 214MWp, tổng mức đầu tư khoảng 4.858 tỷ đồng.
Những năm qua, An Giang đã tập trung phân bổ đầu tư công vào các lĩnh vực có tính chất đòn bẩy, góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển. Trong đó, nhiều chương trình trọng điểm của tỉnh được triển khai đạt hiệu quả, điển hình, như: Kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP. Long Xuyên; thủy lợi phục vụ nông nghiệp phát triển nông thôn vùng Bắc Vàm Nao; nâng cấp, hoàn thành đưa vào sử dụng 14 cầu yếu trên Quốc lộ 91 và cầu Cây Me trên Tỉnh lộ 948; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91C; hoàn thành giai đoạn 2 dự án nâng cấp tuyến đường phục vụ quốc phòng-an ninh kết hợp đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên, đoạn từ Châu Đốc - Cửa khẩu Tịnh Biên (Tỉnh lộ 955A); dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên; mở rộng Bệnh viện Tim mạch An Giang; trùng tu Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nâng cấp các tuyến đường nội ô TP. Long Xuyên…
Những năm qua, lợi thế kinh tế biên giới được An Giang phát huy. Hàng hóa An Giang có mặt ở 105 quốc gia. Năm 2021, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,12 tỷ USD, tăng 16% so kế hoạch và tăng 20,4% so năm 2020.
DL là một trong những lợi thế lớn của An Giang. Khi hạ tầng DL được quan tâm đầu tư với nguồn vốn 3.108 tỷ đồng, có nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư vào các khu DL trọng điểm. Giai đoạn 2016-2020, có 22 dự án đầu tư vào lĩnh vực DL với tổng vốn đăng ký hơn 6.416 tỷ đồng, tăng 267% về số dự án và tăng 885% về vốn đăng ký so giai đoạn 2011-2015. Từ đó, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, thu hút đông đảo du khách đến với An Giang. Trong 5 năm (2016-2020), An Giang đón khoảng 41,5 triệu lượt khách DL, tăng trưởng bình quân 30%/năm. Năm 2021, do tác động dịch bệnh COVID-19, hoạt động DL bị gián đoạn nhưng tiềm năng phục hồi, phát triển thời gian tới là rất lớn.
Phát huy hiệu quả kêu gọi đầu tư thời gian qua, năm 2022, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực tăng trưởng cho An Giang.
Khẳng định vị thế
Với đặc thù địa hình, thổ nhưỡng, tập quán dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) khá tương đồng, việc liên kết vùng ĐBSCL là yêu cầu cần thiết, nhằm thúc đẩy kinh tế vùng phát triển bền vững. Trong đó, An Giang là một trong những tỉnh được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp xây dựng các chương trình liên kết vùng, đặc biệt là vùng Tứ giác Long Xuyên - một trong 2 vùng sinh thái đặc biệt của ĐBSCL (cùng với vùng Đồng Tháp Mười). Trên thực tế, An Giang luôn chủ động thực hiện tốt vai trò này.
UBND tỉnh cho biết, những năm qua, An Giang và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tiến hành rà soát, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu để cung cấp cho các nhà đầu tư. An Giang và Kiên Giang đã ký kết phối hợp trong điều tiết lũ đầu nguồn, cơ cấu mùa vụ phù hợp, giúp cho 2 địa phương ứng phó kịp thời với nước lũ hàng năm, từng bước sản xuất an toàn, hiệu quả.
Triển khai chương trình ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), tỉnh phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu thường xuyên chia sẻ thông tin, kết nối để phát triển và hỗ trợ cho DN mở rộng thị trường trong, ngoài nước. An Giang luôn được chọn là tỉnh khởi đầu tổ chức chuỗi Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao hàng năm và luôn để lại được dấu ấn đặc biệt.
Đối với liên kết vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, An Giang đã tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung và ban hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin vùng kinh tế trọng điểm, đề xuất Trung ương một số dự án trọng điểm, như: Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang; dự án liên kết sản xuất lúa xuất khẩu các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp; dự án đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên; dự án tăng cường khả năng chống chịu sạt lở vùng giữa sông Tiền và sông Hậu; dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế… Đây là những dự án vừa tăng hiệu quả liên kết vùng, vừa khẳng định vị thế một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL.
An Giang đặt mục tiêu phát triển KTXH trong sự tương tác với các vùng, miền cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương ban hành chính sách đặc thù phát triển KTXH “Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL”. Đồng thời, phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển KTXH trong vùng; thu hút các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng.
|
NGÔ CHUẨN