Những khó khăn để trở thành phi công
Nghề phi công luôn là giấc mơ của rất nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng có thể biến ước mơ thành sự thật. Bởi muốn trở thành một phi công, ngoài các yêu cầu đặc biệt và trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khó khăn về thể hình và thể lực, học viên phải bỏ ra một số tiền rất lớn để theo học cho đến khi thành nghề. Tổng chi phí ước tính từ khi bắt đầu học đến khi lên được vị trí cơ phó vào khoảng 4 tỷ đồng.
Quy trình đào tạo một phi công cơ bản sẽ là đưa các học viên tham dự các khóa học tại các trường huấn luyện có uy tín trên thế giới, như Mỹ, Australia, Anh, Pháp hoặc New Zealand, Nam Phi… để có được bằng lái quốc tế CPL, IRME hoặc AE. Kế đó, để từ một phi công cơ bản trở thành một phi công thương mại là cả một giai đoạn dài đầu tư học tập và nỗ lực của học viên. Trước đây, mỗi năm Vietnam Airlines phải tốn chi phí đưa phi công đi huấn luyện chuyển loại định kỳ 6 tháng/lần tại các Trung tâm SIM ở nước ngoài. Việc gửi phi công thương mại ra nước ngoài huấn luyện bay cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, chương trình của phía đối tác.
Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 2.680 phi công thương mại. Việc chủ động đào tạo bay trong nước là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng của ngành hàng không.
Vietnam Airlines và mục tiêu đào tạo phi công hoàn toàn trong nước
Ngay từ năm 2003, ý tưởng về một trung tâm huấn luyện bay trong nước đã ra đời, do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, đào tạo phi công. Tuy nhiên, thời điểm đó, học viên mới chỉ được đào tạo lý thuyết tại Việt Nam, chưa thể đào tạo thực hành ngay được, vì những hạn chế về kỹ thuật. Đến năm 2012, để tiết kiệm chi phí và chủ động trong việc huấn luyện, đào tạo, Vietnam Airlines đã trang bị thiết bị mô phỏng buồng lái SIM A320-200 đầu tiên để huấn luyện người lái tàu bay A321 tại Trung tâm huấn luyện bay trong nước. Việc này theo tính toán của Vietnam Airlines là tiết kiệm được tới 130 tỷ đồng so với việc đưa phi công đi huấn luyện tại nước ngoài. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng một trung tâm huấn luyện bay với tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái quy mô lớn có mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã được hình thành để đón đầu phát triển.
Tháng 10-2017, Vietnam Airlines “bắt tay” hợp tác kinh doanh cùng nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái Canada (CAE Inc.). Thêm một thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay A321 được đưa vào lắp đặt. Năm 2018, lần lượt 2 thiết bị mô phỏng buồng lái A350 và Boeing 787 được CAE hoàn tất trang bị để hoàn thiện Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái tại Trung tâm huấn luyện bay.
Điều đó có nghĩa là, từ bây giờ Việt Nam đã có được một trung tâm huấn luyện bay đầu tiên đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ huấn luyện bay cho phi công thương mại, phi công chuyển loại cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Theo Vietnam Airlines, mục tiêu sắp tới của trung tâm là đứng trong Top 5 các trung tâm đào tạo bay hiện đại, chuyên nghiệp, uy tín tầm khu vực.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm huấn luyện đã thực hiện cung cấp dịch vụ đào tạo cho hơn 10 hãng hàng không trong khu vực, doanh thu ước tính đạt 6 tỷ trong 7 tháng đầu năm. “Việc đồng bộ hóa thiết bị và công nghệ, những bổ sung về đội ngũ nhân sự đào tạo phi công thương mại nhiều kinh nghiệm, là căn cứ để đảm bảo việc trung tâm hoàn toàn có thể đào tạo bay thương mại và chuyển loại ở trong nước ngay từ năm 2018 này” - đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Theo kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2026, Vietnam Airlines sẽ khai thác 117 tàu bay, trong đó chủ yếu là tàu bay thân rộng hai lối đi, bao gồm 17 tàu bay A350 và 21 tàu bay Boeing 787. Việc chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực làm chủ cả 3 dòng máy bay chủ lực của Vietnam Airlines được xem là cần thiết. Tất cả những việc này đều để giúp chúng ta chủ động trong công tác huấn luyện, không lệ thuộc vào đối tác, giảm thời gian và chi phí đưa phi công ra nước ngoài đào tạo. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hàng không Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam tự làm chủ sân chơi của chính mình, đồng thời hướng mục tiêu xa hơn, ra tầm quốc tế.
Theo PV (Hà Nội Mới)