Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có phản ánh đúng năng lực học sinh?

02/07/2025 - 13:50

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã hoàn thành, nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay là một bước tiến đáng kể, với những cải tiến về cấu trúc và cách đánh giá năng lực học sinh nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại rằng độ khó của đề thi có thể gây bất lợi cho học sinh.

Cải tiến trong đánh giá năng lực học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là một bước chuyển mình rõ rệt trong việc đánh giá năng lực học sinh, đặc biệt là nhờ những cải tiến đáng kể trong cấu trúc và cách thức tổ chức kỳ thi. Một trong những thay đổi quan trọng là việc cho phép học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với sở trường của mình, thay vì phải thi tất cả các môn học như trước đây.

Chú thích ảnh

Học sinh TP Hồ Chí Minh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: PV

Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên tại Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, một kỳ thi tốt nghiệp lý tưởng không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức đơn thuần mà còn cần phải giúp học sinh phát triển các kỹ năng ứng dụng và tư duy phản biện. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, việc đưa vào các câu hỏi không chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức mà còn phải áp dụng chúng vào các tình huống thực tế. 

“Đây là một bước tiến lớn trong việc chuyển trọng tâm từ học thuộc lòng sang phát triển tư duy sâu sắc hơn, điều này sẽ chuẩn bị tốt hơn cho học sinh trong việc đối mặt với các thử thách trong học đại học và công việc sau này”, ông McDonald nhấn mạnh.

Tuy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá cao về những cải tiến, song vẫn có không ít ý kiến lo ngại về độ khó của đề thi, nhất là với các học sinh có học lực trung bình và những em học sinh đến từ vùng miền khó khăn. Các câu hỏi yêu cầu tư duy phản biện và ứng dụng kiến thức thực tế tuy là bước tiến trong giáo dục, nhưng lại khiến nhiều học sinh cảm thấy bỡ ngỡ và khó khăn trong việc hoàn thành bài thi, đặc biệt khi phần lớn các em chưa được chuẩn bị đầy đủ cho những dạng câu hỏi này.

Chú thích ảnh

Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 tại TP Hồ Chí Minh ra về trong tâm trạng lo lắng. Ảnh: PV

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mặc dù việc đưa vào các câu hỏi yêu cầu phân tích và áp dụng kiến thức thực tiễn là bước đi đúng đắn, nhưng độ khó của một số câu hỏi trong đề thi lại khiến học sinh "không kịp trở tay". Việc này đã gây khó khăn cho các em, đặc biệt là những học sinh không được chuẩn bị kỹ lưỡng về dạng bài thi này trong suốt quá trình học.

Một ví dụ rõ rệt về độ khó của đề thi là môn Tiếng Anh. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục, cho rằng đề thi tiếng Anh năm nay có độ khó vượt quá chuẩn B1, với nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải có khả năng phân tích và suy luận cao. Các bài đọc dài, chứa đựng từ vựng học thuật và cấu trúc câu phức tạp đã tạo ra không ít khó khăn cho học sinh. 

Theo ông Vinh, với trình độ tiếng Anh chuẩn B1 mà chương trình giáo dục phổ thông yêu cầu, các học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với các câu hỏi phức tạp như vậy. Điều này không chỉ khiến các học sinh gặp khó khăn trong việc giải bài thi mà còn gây ra sự bất công, nhất là đối với những học sinh ở các vùng nông thôn hoặc những em không có điều kiện học thêm và luyện thi.

Hơn nữa, nhiều câu hỏi trong đề thi không chỉ yêu cầu học sinh có kiến thức cơ bản mà còn phải có khả năng tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau và vận dụng tư duy tổng hợp để giải quyết vấn đề thực tiễn. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tập trung vào việc đánh giá những kiến thức nền tảng của học sinh thay vì đẩy ra ngoài phạm vi chương trình học. Việc đưa vào quá nhiều câu hỏi yêu cầu vận dụng cao sẽ tạo ra sự phân hóa lớn giữa các học sinh có học lực tốt và những học sinh học lực trung bình hoặc yếu, từ đó làm mất tính công bằng của kỳ thi.

Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng độ khó của đề thi có thể làm gia tăng tình trạng học sinh phải tham gia vào các lớp luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi, điều này không chỉ gây áp lực lên học sinh mà còn đi ngược lại mục tiêu giảm thiểu học thêm, dạy thêm mà ngành giáo dục đang hướng đến.

Trước những lo ngại về độ khó của đề thi, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải thích mục tiêu và lý do đằng sau các thay đổi trong kỳ thi năm nay. Theo báo cáo của Bộ, mặc dù có một số câu hỏi có độ khó cao, nhưng đây là một phần trong chiến lược phân loại học sinh để hỗ trợ công tác tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp hiệu quả hơn. 

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định rằng đề thi năm nay không vượt quá chương trình giáo dục phổ thông và được xây dựng để phản ánh đúng năng lực học sinh theo chuẩn chương trình giáo dục 2018. Đề thi đã được thử nghiệm rộng rãi tại nhiều vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh, bất kể điều kiện học tập của các em.

Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục điều chỉnh quy trình ra đề thi trong các kỳ thi tới và sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên, học sinh để hoàn thiện hơn nữa kỳ thi trong tương lai. Bộ cũng cam kết rằng sẽ tiếp tục cải thiện quy trình đánh giá để kỳ thi phản ánh đúng năng lực học sinh, đồng thời giúp các trường đại học tuyển sinh hiệu quả hơn.

Theo TTXVN