Nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 chiếm 89%. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Sáng 5/9, tại trụ sở Tổ chức và Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) ở thủ đô Paris đã diễn ra phiên họp trao đổi xây dựng dự thảo Báo cáo Kinh tế Việt Nam do OECD và Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) phối hợp thực hiện.
Tham dự phiên trao đổi với OECD, về phía Việt Nam có Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các thành viên trong đoàn là lãnh đạo của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) và đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham dự phiên họp.
Ngoài ra, phiên họp cũng có sự tham dự của nhiều đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,… dưới hình thức phát biểu trực tuyến.
Dự thảo báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026, được ký vào tháng 11/2021 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD.
Tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan triển khai phối hợp trao đổi với OECD và ADB để xây dựng và hoàn thiện báo cáo. Trong quá trình phối hợp giữa các bên cho tới nay, dự thảo thứ hai của báo cáo lần này được hoàn thiện và chính thức trao đổi tại phiên họp với đại diện các quốc gia thành viên OECD.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam đánh giá cao dự thảo báo cáo lần 2, được ADB và OECD xây dựng và phối hợp hoàn thiện trên cơ sở góp ý, tiếp thu, điều chỉnh và cập nhật số liệu đánh giá sát với ý kiến góp ý của các cơ quan phía Việt Nam."
Báo cáo đã thể hiện được các nội dung gồm thông điệp về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, gắn với phục hồi kinh tế, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh gắn với cải cách quản trị doanh nghiệp nhà nước và các quy định về các thị trường ngành hàng cụ thể, cải cách các quy định thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi xanh, chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên OECD đối với Việt Nam trong việc xây dựng chính sách...
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là lần đầu tiên OECD thực hiện Báo cáo và khảo sát đối với Việt Nam. Báo cáo sẽ góp phần đưa ra những góc nhìn khách quan, độc lập và các khuyến nghị xác đáng, là tài liệu chất lượng giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm nhiều thông tin và quyết định đổi mới, cải cách có tính khả thi trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam thời hậu COVID...
Trong không khí trao đổi cởi mở và thẳng thắn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Đinh Toàn Thắng và đại diện các cơ quan ban ngành Việt Nam tham gia trực tiếp và trực tuyến cuộc họp đã lắng nghe ý kiến góp ý, đánh giá bản dự thảo Báo cáo từ đại diện 20 nước thành viên OECD bao gồm các quốc gia Nhật Bản, Hungary, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Australia, New Zealand, Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Phần Lan, Canada, Bồ Đào Nha, Chile...
Hầu hết đại diện các quốc gia thành viên OECD đều đánh giá bản dự thảo báo cáo rất đầy đủ, toàn diện, phong phú, cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam hiện nay, những thách thức và mục tiêu phát triển trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các cơ quan ban ngành Việt Nam đã trực tiếp trả lời súc tích và đầy đủ các câu hỏi mà các đại biểu đặt ra liên quan đặc biệt tới "không gian" kinh tế của Việt Nam, như chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, chính sách thuế, phí và trần nợ công, thủ tục cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính sách về nguồn nhân lực, chiến lược phục hồi số, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, tự chủ về nguồn năng lượng, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, cải cách về an sinh xã hội, thách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mục tiêu zero phát thải năm 2050, làm thế nào để thoát bẫy nước có thu nhập trung bình...
Kết thúc phiên họp, hai đồng chủ trì OECD và đoàn đàm phán Việt Nam nhất trí cuộc họp đã diễn ra thành công, bổ ích, những thảo luận rất tập trung, thẳng thắn, khách quan trên tinh thần xây dựng.
Theo THU HÀ (TTXVN)