Virus Ebola vẫn tồn tại trong não người nhiều năm sau khi khỏi bệnh

12/02/2022 - 08:50

Các nhà khoa học cảnh báo dịch Ebola có thể tái bùng phát khi một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng loại virus này vẫn tồn tại trong não người nhiều năm sau khi khỏi bệnh.


Thành viên của Chữ thập đỏ Pháp tiếp nhận một trường hợp nghi nhiễm Ebola từ trung tâm Forecariah ngày 30/1/2015. Ảnh: Reuters

Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu cảnh báo một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên hành tinh do virus Ebola (EBOV) gây ra có thể tái bùng phát. Nghiên cứu mới, được giới khoa học đánh giá là bước đột phá, đã phát hiện ra virus Ebola có thể ẩn náu trong não của những người đã hồi phục nhiều năm sau khi điều trị bằng phương pháp kháng thể.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID). Họ đã liên hệ một số đợt bùng dịch Ebola gần đây ở châu Phi với tình trạng tái lây nhiễm ở những bệnh nhân đã từng mắc bệnh, để tìm ra chính xác vị trí trú ngụ của virus trong cơ thể, nơi giúp nó né tránh kháng thể. Để xác định nơi virus ẩn náu, họ đã thực hiện các thí nghiệm trên khỉ để mô phỏng căn bệnh do virus Ebola gây ra ở người.

Họ phát hiện ra rằng não của khoảng 1/5 con khỉ Macaque nhiễm Ebola, đã được điều trị bằng kháng thể đơn dòng (mAb), vẫn có tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng và tải lượng virus lớn. Virus tồn tại chủ yếu trong hệ thống não thất - nơi sản xuất, lưu thông và chứa dịch não tủy. Dù đã bị tiêu diệt ở tất cả các cơ quan khác bằng phương pháp điều trị hiệu quả, virus vẫn có thể tái xuất hiện và gây ra bệnh chết người, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến các mô não.

“Những phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nỗ lực nghiên cứu lâu dài, nhằm giảm thiểu hậu quả của tình trạng tái lây nhiễm và những tác động đến sức khỏe cộng đồng”, các tác giả cảnh báo.

Trong một số đợt dịch Ebola tồi tệ nhất gần đây ở tây Phi, khu vực này đã ghi nhận trên 28.600 trường hợp nhiễm bệnh trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016. Trên 11.300 bệnh nhân đã tử vong, virus vẫn tồn tại trong não của nhiều người sống sót và khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan. 

Năm ngoái, một đợt bùng phát dịch do virus Ebola gây ra ở Guinea cũng liên quan đến một số trường hợp bệnh nhân tái nhiễm. Những người này đều đã sống sót sau đợt bùng dịch lớn trước đó ít nhất 5 năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giới khoa học vẫn chưa tìm ra vị trí ẩn náu chính xác của virus trong cơ thể người.

Bệnh Ebola còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra, được cho là tìm thấy trên dơi. Dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tiên tại CHDC Congo vào năm 1976 và nó vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại ở quốc gia này. Người mắc Ebola thường có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức toàn thân hoặc khó chịu. Nhiều trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất huyết bên trong và bên ngoài. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin tức)