Đây là nghiên cứu do nhiều bệnh viện vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) thực hiện, gồm bệnh viện UAntwerpen, UZA, AZ Maria Middelares và AZ Nikolaas.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 25/3/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nghiên cứu mới của các bệnh viện nói trên đi sâu phân tích và theo dõi tác động của virus SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân ung thư và người không bị ung thư trước khi tiêm phòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy chủng virus này làm thay đổi hệ thống miễn dịch, thậm chí có thể trong một thời gian dài.
Cụ thể, một số bệnh nhân ung thư đã bị gián đoạn mức độ miễn dịch trong 3 tháng sau khi mắc COVID-19, trong khi những người khác phát triển phản ứng viêm mãn tính. Sự gián đoạn này có thể đẩy nhanh sự phát triển của các khối u hiện có, vì một số protein trong cơ thể tham gia vào phản ứng miễn dịch có tác dụng kích thích sự phát triển của khối u. Các nhà nghiên cứu đã đặc biệt quan sát thấy hiện tượng này trong trường hợp ung thư huyết học (bệnh bạch cầu, u lympho...). Tuy vậy, không loại trừ khả năng các bệnh ung thư khác cũng có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu đi.
Giáo sư Peter van Dam, điều phối viên nghiên cứu của Trung tâm ung thư đa ngành (MOCA) ở thành phố Antwerp cho biết nghiên cứu trên không đề cập tới khía cạnh nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ung thư, nhưng chỉ ra rằng việc nhiễm virus này có thể đẩy nhanh sự phát triển của các khối u hiện có.
Giáo sư Van Dam cũng nêu rõ: chỉ theo dõi bệnh nhân ung thư thường xuyên mới có thể sớm ngăn chặn bệnh tiến triển nhanh chóng mà không cần can thiệp. Đó là lý do tại sao điều trị ung thư không được trì hoãn. Bên cạnh đó, Giáo sư còn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ như tiêm phòng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với bệnh nhân ung thư.
Theo HƯỜNG GIANG (TTXVN)