
Em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Thay vì hy vọng, vòng đàm phán ngừng bắn mới nhất ở Gaza đã "trật bánh" khi Israel tiếp tục cuộc tấn công quân sự lớn khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng mỗi ngày. Song song với đó, viễn cảnh chết đói đang đe dọa nhiều người trong số 2,3 triệu cư dân ở vùng lãnh thổ này của Palestine.
Hamas đã thả con tin Alexander - người đang phục vụ trong quân đội Israel khi bị bắt, như một cử chỉ thiện chí với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi bắt đầu chuyến công du khu vực đến Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tuần trước. Ý tưởng là việc phóng thích con tin này sẽ thúc đẩy chính quyền Mỹ gây sức ép buộc Israel phải đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Ngày 22/5, một quan chức Hamas tại Beirut (Liban) cho biết vòng đàm phán ngừng bắn mới nhất ở thủ đô Doha (Qatar) đã sụp đổ và đổ lỗi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về thất bại của các cuộc thương thảo.
Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin Chính phủ của ông Netanyahu đã rút các nhà đàm phán của mình khỏi các cuộc hòa đàm tại Doha.
Báo The National của UAE dẫn một nguồn thạo tin cho biết “các nhà trung gian Ai Cập và Qatar vô cùng thất vọng vì không đạt được tiến triển sau sự lạc quan ban đầu”.
Trước khi con tin Alexander được thả vào ngày 12/5, các nhà trung gian Mỹ, đã có các cuộc đàm phán trực tiếp với các quan chức Hamas tại Doha và mọi bên liên quan, trong đó có cả các nhà trung gian hòa giải là Ai Cập và Qatar, đều đặt hy vọng nhiều hơn so với những tháng trước đó rằng một thỏa thuận có thể được chốt lại.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Hamas cảm thấy bất bình vì không có bất kỳ động thái thiện chí nào từ Mỹ cho việc thả Alexander, khiến nhóm này từ chối đề xuất ngừng bắn mới nhất. Hamas cho rằng đề xuất này lặp lại những ý tưởng ban đầu do Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff đưa ra và được Israel chấp nhận. Đề xuất này quy định về lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, nối lại hoạt động phân phối viện trợ cho Gaza và thả 10 con tin cùng 1/2 số thi thể con tin đã thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ ở Gaza.
Kế hoạch không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về việc Israel sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Gaza hoặc lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, vốn là cốt lõi trong yêu cầu của Hamas về một thỏa thuận toàn diện, theo đó họ sẽ thả tất cả 58 con tin - trong đó chỉ có 20 người được cho là còn sống - để đổi lấy lệnh ngừng bắn từ 5 đến 10 năm và trả tự do cho hàng trăm người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Trong những tháng gần đây, Hamas đã ra tín hiệu sẵn sàng từ bỏ mọi vai trò trong chính phủ hậu chiến và tái thiết Gaza, đồng thời chuyển thành một đảng chính trị. Phong trào Hồi giáo này cũng đã gợi ý rằng họ sẵn sàng hạ vũ khí nhưng không đầu hàng và để một số nhà lãnh đạo của mình rời khỏi Gaza và sống lưu vong.
Khi các cuộc đàm phán tại Doha sụp đổ, Israel vẫn tiếp tục ném bom không ngừng vào Gaza, nơi toàn bộ dân số được cho là có nguy cơ bị đói. Tel Aviv cũng tuyên bố ý định đặt toàn bộ dải đất này của Palestine nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của mình.
Israel đang chịu áp lực ngày càng tăng, bao gồm cả từ các đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu (EU), để dừng cuộc tấn công mở rộng của mình và cho phép viện trợ vào Gaza. Vào ngày 20/5, các ngoại trưởng các nước thành viên EU đã nhất trí sẽ xem xét lại thỏa thuận hợp tác của khối này với Israel, bao gồm cả thương mại.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 22/5, theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 22/5 (giờ địa phương), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cho biết cơ quan này đã tiếp nhận báo cáo có 629 người Palestine thiệt mạng trong tuần qua.Ít nhất 358 người thiệt mạng do các cuộc tấn công nhằm vào nhà ở và lều trại của những người phải di dời, trong đó có gần 150 người là trẻ em và phụ nữ.
OHCHR nhấn mạnh rằng phần lớn các cuộc không kích nhắm vào nơi trú ẩn trong bối cảnh cơ sở hạ tầng hiện tại ở Gaza đã bị tàn phá nặng nề.
Theo TTXVN