Vòng tay đồng đội

25/08/2022 - 07:12

 - Xuất ngũ trở về, mỗi người lại đối diện với số phận của chính mình. Người thì lập nghiệp bằng đôi bàn tay trắng, bị đủ biến cố cuộc đời vùi dập. Người lại may mắn, vững vàng đường công danh sự nghiệp. Nhưng bằng nhiều cách, họ mở rộng vòng tay hỗ trợ, nâng đỡ đồng đội, đưa nhau thoát nghèo.

Ông Phong (bìa trái) hướng dẫn nhân công làm việc

Không neo mình theo số phận

Năm 1988, quân nhân Lê Văn Tú (sinh năm 1960, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, với quân đội. Chờ đón ông là cảnh nghèo “có sổ”, là người vợ bệnh tật và mấy đứa con thơ. Không có đất cát hay cơ sở làm ăn gì, ông đành tự bươn chải, “buông này bắt kia”. Mùa lúa thì đi cắt lúa, hết mùa thì vào nhà máy làm công nhân bốc vác. Những hôm mệt đến mức giấc ngủ chẳng yên, ông cám cảnh phận mình.

“Nhưng tôi tự an ủi mình: Nghèo thì phải ráng vươn lên, đâu thể neo mình theo số phận được! Năm 1998, được tiếp cận vốn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mua cặp bò trị giá 7,6 triệu đồng, còn lại làm chuồng. Mỗi ngày, hết ca ở nhà máy, tôi về cắt cỏ cho bò ăn. Một năm rưỡi sau, tôi bán bò, lời được số tiền kha khá. Từ nguồn vốn xoay vòng, anh em cựu chiến binh mỗi người giúp một ít, từ 2 con bò ban đầu, tôi nhân lên 4 con, rồi 6 con…” - ông Tú nhớ lại.

Tích lũy sau 4 năm, ông biến căn nhà lụp xụp, che chắn “cho có” thành căn nhà cấp 4 kiên cố hơn. Là khách hàng uy tín, trả nợ đầy đủ, ông được cho vay lại với số tiền cao hơn nhiều. Rồi ông quyết chí “xin thoát nghèo”, không muốn dựa dẫm vào xã hội nữa. Chỉ mới đủ ăn đủ mặc thôi, nhưng các con ông đã trưởng thành, cuộc sống qua rồi thời vất vả. Được bấy nhiêu đó, ông mừng lắm! Bấy nhiêu đó cũng giúp ông trở thành hội viên vượt khó tiêu biểu, là tấm gương để anh em đồng đội trong Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành học hỏi.

Hay như nỗ lực của ông Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1977, Công ty TNHH MTV Xây dựng TMDV An Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành), người từng được chọn tham dự đại hội điển hình tiên tiến của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Sau ngày xuất ngũ, ông trăn trở rất nhiều, khi cuộc sống gia đình bế tắc, khó khăn đủ bề.

“Tôi phải làm thuê cực khổ, vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa tích lũy vốn, trải qua không ít thăng trầm. Rất may, môi trường quân ngũ rèn luyện cho tôi ý thức trách nhiệm, tính tự lực, biết hoạch định tương lai, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Dần dần, cơ sở của tôi vững vàng trong kinh doanh, xây dựng công trình giao thông trong và ngoài tỉnh, mua bán thiết bị cơ giới. Có điều kiện rồi, tôi bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình trước đây. Đó là trích lợi nhuận để đóng góp quỹ phúc lợi xã hội, san sẻ phần nào khó khăn của đồng đội. Ngoài ra, 30-40% nhân công tại cơ sở của tôi là cựu chiến binh, cựu quân nhân, thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng” - ông Phong bày tỏ.

Vốn nghĩa, vốn tình

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành Võ Thanh Hùng nhận định, ông Tú và ông Phong là 2 tấm gương hội viên vượt khó hoặc tích cực đóng góp để Hội Cựu chiến binh huyện đạt chỉ tiêu về thoát nghèo, xóa nhà tạm bợ. Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, còn là sự chung sức, đồng lòng của tập thể hội.

Ông Hùng cho biết: “Cựu chiến binh rất nhiệt tình đóng góp Quỹ Phát triển sản xuất. Chỉ tiêu hàng năm là 50.000 đồng/hội viên, nhưng thực tế, ai có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít. Có hội viên đóng góp vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng. Riêng ông Lê Văn Tú (Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Phú Hòa I), từng được đồng đội góp vốn để hỗ trợ thoát nghèo, nay ông luôn gương mẫu, đóng góp mức cao hơn quy định. Hay ông Nguyễn Thanh Phong, người luôn ủng hộ quỹ hội một cách tích cực. Số tiền đóng góp vào quỹ chẳng mất đi, mà hiện hữu và phát triển dần dần, bằng cách cho mượn xoay vòng. Hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn được bình xét cho mượn, có điều kiện sẽ trả lại, để hội viên khác được nhận”.

Không chỉ riêng huyện Châu Thành, mà các cấp hội cựu chiến binh trong toàn tỉnh tích cực vận động cán bộ, hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, “Tương thân tương ái”, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là khi hội viên và gia đình gặp sự cố, thiên tai, dịch bệnh… Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và tổ chức, cá nhân, hội viên cựu chiến binh được tạo điều kiện nâng cao đời sống, có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh, mỗi năm hội nhận quản lý vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trung bình quản lý 732 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong 5 năm qua, hơn 35.000 hộ được vay vốn, tổng số tiền cho vay mỗi năm trên 669 tỷ đồng. Riêng Quỹ Phát triển sản xuất được tích lũy do hội viên đóng góp, cho hội viên khó khăn vay với lãi suất rất thấp hoặc không có lãi, số tiền mỗi năm trên 4 tỷ đồng. Khi hội viên thôi tham gia sinh hoạt hội thì sẽ được hoàn lại tổng số tiền đã đóng góp. Đến nay, quỹ có trên 7,3 tỷ đồng, bình quân đạt 700.000 đồng/hội viên.

Ngoài ra, một số tổ chức hội còn vận động “Góp vốn xoay vòng” để tạo điều kiện cho hội viên khó khăn có vốn làm ăn, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống, có lúc đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Từ việc vận dụng linh hoạt nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, đồng thời với quyết tâm vươn lên của hội viên, trong 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh giảm được 455 hộ hội viên nghèo. Từ 3,2% hộ hội viên nghèo năm 2017, đến năm 2021 cơ bản không còn hộ nghèo (chuẩn nghèo cũ).

Những nghĩa cử ấy thể hiện sự đùm bọc, yêu thương của tình đồng đội, rất thiêng liêng và đầy nhân văn, mang đậm bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, dù ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ đâu!

KHÁNH ĐĂNG

 

Liên kết hữu ích